FAO in Viet Nam

5000 ngày chiến đấu với cúm gia cầm tại Việt Nam

06/09/2017

Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát  bệnh động vật lây truyền xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam kỷ niệm 5000 ngày phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn chiến đấu với Cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) kể từ khi H5N1 HPAI được phát hiện lần đầu tiên tại châu Á năm 2003 (xem thêm hình bên dưới, thể hiện tình hình dịch bệnh qua số lượng các ca HPAI tại Việt Nam từ năm 2004). Dịch HPAI H5N1 đã khiến 125 người chết và gây thiệt hại về kinh tế lên tới 1,8% GDP quốc gia, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế đất nước vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh. Các biện pháp can thiệp của FAO tập trung vào việc thúc đẩy các chiến lược phòng ngừa dịch bệnh ở cấp tỉnh, khu vực và quốc gia nhằm giảm thiểu tác động và ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của HPAI, FAO đã hỗ trợ Bộ NN và PTNT tăng cường giám sát, an toàn sinh học và khả năng ứng phó, nâng cao năng lực dịch tễ và xét nghiệm trong thập kỷ qua. Cùng với các chương trình phòng chống HPAI thông thường, FAO đang hỗ trợ việc giám sát phát hiện sớm nguy cơ H7N9 thâm nhập vào đàn gia cầm nội địa ở các vùng có nguy cơ cao. Hiện nay, H7N9 mới chỉ phát hiện thấy ở Trung Quốc. Việc giám sát kết hợp cả H5N1 và H7N9 sẽ giúp nâng cao hiểu biết về quỹ gien (gene pool) của cúm A ở gia cầm cũng như về dịch tễ học của các vi rút HPAI H5.

Nhằm góp phần giám sát cúm gia cầm trên phạm vi toàn cầu, Cục Thú y thuộc Bộ NN và PTNT cũng đã và đang cung cấp thông tin về các sự kiện liên quan đến dịch   HPAI tới Hệ thống phòng ngừa khẩn cấp các bệnh dịch và sâu bệnh gây hại cho động thực vật xuyên biên giới (EMPRES) từ năm 2004. EMPRES là một hệ thống toàn cầu do FAO thiết kế nhằm giúp đỡ các cơ quan thú y thông qua việc hỗ trợ việc thông tin về dịch bệnh ở khu vực và trên thế giới bởi thông tin dịch bệnh tin cậy và kịp thời giúp  tăng cường cảnh báo và ứng phó sớm và hỗ trợ việc từng bước kiểm soát và thanh toán các dịch bệnh động vật xuyên biên giới. 

Đồ thị dịch tễ học cho thấy những diễn tiến của tình hình dịch bệnh HPAI thể hiện qua các ổ dịch theo thời gian. Trục X thể hiện số ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam và trục Y thể hiện số ổ dịch HPAI ở gia cầm theo tháng. Nhờ có 5000 ngày phối hợp chặt chẽ giữa những bên liên quan, các sự cố dịch đã giảm đáng kể theo từng năm.  

Hiện tại FAO đang tiếp tục phối hơp với Cục Thú y để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm và mục đích cuối cùng là thành lập nên một hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh bền vững tại quốc gia và khu vực. Điều quan trọng là cần phải tiếp tục các nỗ lực kiểm soát HPAI, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, nơi dịch này được coi là dai dẳng và là dịch bệnh địa phương, gây ra nguy cơ đối với nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam nhấn mạnh.