FAO in Viet Nam

Tăng cường năng lực xét nghiệm cho vùng Đông Nam Á nhằm phát hiện tồn dư chất kháng khuẩn trong thực phẩm

04/01/2018

Hà Nội, Việt Nam. Thuốc kháng khuẩn đóng một vai trò quan trọng để điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản, góp phần đảm bảo thực phẩm an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, lạm dụng và sử dụng sai chất kháng khuẩn trong nuôi trồng thủy sản có thể gây ra tồn dư thuốc trong nước và môi trường, làm tăng khả năng tiếp xúc với chất kháng khuẩn quá mức và giảm hiệu quả của thuốc kháng khuẩn.

Tại Việt Nam, nuôi trồng thủy sản phát triển rất nhanh trong những năm gần đây với tổng số 2.552 nghìn tấn cá và 628,2 nghìn tấn tôm sản xuất vào năm 2015 (1), thủy sản chiếm một lượng lớn trong các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thuỷ sản (2). Tuy nhiên việc thiếu năng lực xét nghiệm sẽ gây khó khăn trong việc phát hiện dư lượng kháng khuẩn ở thủy sản cũng như tìm ra các vi sinh vật kháng thuốc mới xuất hiện.

Từ ngày 5-8 tháng 12 năm 2017, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Khẩn cấp Dịch bệnh Động vật xuyên Biên giới (ECTAD) thuộc FAO Việt Nam  và Viện Thú y (NIVR) đã tổ chức tập huấn cấp khu vực về phân tích dư lượng kháng sinh tại Hà Nội. Tổng số có 14 cán bộ phòng thí nghiệm chủ chốt của Việt Nam, Bangladesh, Philippines, Lào, Campuchia và Thái Lan tham gia khóa đào tạo 5 ngày. Chương trình đào tạo bao gồm cả phần lý thuyết và điều tra thực địa cho phép học viên thực hành thu thập mẫu để kiểm tra dư lượng kháng sinh trong cá rô phi nuôi. Hội thảo là một trong những hoạt động cấp vùng của FAO nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản ở Đông Nam Á.

"Khả năng xét nghiệm nhằm đánh giá dư lượng kháng sinh trong thủy sản là rất quan trọng để Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và giúp các quốc gia khác giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các nước khác giảm tác động của kháng kháng sinh đối với sức khoẻ, sinh kế và an ninh lương thực " ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, chương trình ECTAD, FAO Việt Nam, cho biết.  



(1)  Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Kết quả sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016”
(2)  Quốc, P.L. và cộng sự, 2015. Đặc tính của men beta-Lactamase phổ rộng có trong vi khuẩn Escherichia coli phân lập được ở tôm và thịt tại các chợ bán lẻ ở Việt Nam. Bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm. Dis. 12, 719–725.