FAO in Viet Nam

FAO công bố Báo cáo về thiệt hại do thiên tai gây ra tại Hội nghị khu vực về Tăng cường tính chống chịu của Hệ thống Lương thực và Nông nghiệp

15/03/2018

Hà Nội, Việt Nam. Thiên tai gây thiệt hại cho nông dân nghèo hàng tỉ đô la. Theo báo cáo mới đây của FAO, hạn hán đang gây thiệt hại nhiều nhất trong số một loạt mối đe dọa của ngành nông nghiệp.Thiên tai gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho ngành nông nghiệp, trong đó hạn hán là loại hình nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo về gánh nặng của người nghèo đối với thiên tai, Châu Á là khu vực

Mỗi năm thiên tai đang gây tổn thất rất lớn về tài chính cho nông dân ở các nước đang phát triển, trong đó hạn hán đang trở thành loại hình nghiêm trọng nhất trong số một loạt mối đe dọa, bao gồm cả lũ lụt, cháy rừng, bão, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, tràn hóa chất và thủy triều đỏ.

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2005 đến 2015, thiên tai đã gây thiệt hại cho nông nghiệp của các nền kinh tế đang phát triển tới 96 tỉ đô la, bao gồm hư hại và mất trắng về cây trồng và vật nuôi.

Một nửa tổng thiệt hại trên – trị giá 48 tỉ đô la – rơi vào Châu Á, theo báo cáo được công bố tại một hội nghị tại Hà Nội, do Chính phủ Việt Nam và FAO phối hợp tổ chức.

Hạn hán là một trong những thủ phạm chính gần đây gây khó khăn rất nhiều cho nông dân trên toàn thế giới. 83% tổn thất kinh tế do hạn hán gây ra, theo nghiên cứu của FAO, lại do ngành nông nghiệp hứng chịu, lên tới 29 tỉ đô la.

Báo cáo trên của FAO cũng nêu rõ hiện đang có nhiều mối đe dọa khác cũng gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất lương thực, an ninh lượng thực và sinh kế của người dân.

“Ngành nông nghiệp – bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản – đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, dịch bệnh, hiện tượng thời tiết cực đoan, và khủng hoảng cũng như xung đột kéo dài,” Tổng giám đốc FAO, ông JoséGraziano da Silva, cho biết.

“Đây đã trở thành hiện tượng “bình thường mới”, và tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn làm cho các mối đe dọa và thách thức này thêm nghiêm trọng”, Tổng giám đốc FAO cho biết.

“Do đó, giảm và quản lý rủi ro thiên tai phải là một phần không thể thiếu của nền nông nghiệp hiện đại. Việc xây dựng một khung có khả năng chống chịu với thiên tai một cách tổng thể hơn và tham vọng hơn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo phát triển bền vững – đây chính là nền tảng của hòa bình và cơ sở để thích ứng với biến đổi khí hậu,” Tổng Giám đốc FAO khẳng định.

Phân bố địa lý của thiên tai

Tại Châu Á – khu vực có nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhấ t của thiên tai – lũ lụt và bão có tác động lớn nhất, song hệ thống nông nghiệp châu Á cũng bị tác động rất nặng nề của động đất, sóng thần và nhiệt độ cực đoan.

Tại cả Châu Phi và Châu Mỹ Latin - Caribe, hạn hán là loại hình thiên tai gây chi phí lớn nhất – từ năm năm 2005 đến 2015 gây thiệt hại cho cây trồng và vật nuôi lần lượt là 10,7 và 13 tỉ đô.

Dịch hại trên cây trồng và vật nuôi cũng là một trong thảm họa gây chi phí lớn nhất cho nông dân Châu Phi, lên tới trên 6 tỉ đô la trong giai đoạn 2005-2015.

Và trên toàn thế giới, các Tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDS) đang chịu tổn thương rất nhiều bởi thiên tai, đặc biệt là sóng thần, động đất, bão và lũ lụt. Theo báo cáo trên, tổn thất kinh tế tại các SIDS do thiên tai đã tăng từ 8,8 tỉ đô la trong giai đoạn 2000-2007 lên trên 14 tỉ trong giai đoạn 2008-2015.

Thảm họa do con người

Báo cáo trên cũng mở rộng phạm vi phân tích của FAO đối với tác động của thiên tai cho ngành nông nghiệp, không chỉ đề cập tới thảm họa thiên nhiên mà cả “khủng hoảng chuỗi thực phẩm” do bệnh trên động vật gây ra, chẳng hạn như Sốt thung lũng Rift.

Ngoài ra, báo cáo của FAO cũng đề cập đến vấn đề xung đột. Ví dụ, tại Syria đã tiến hành nghiên cứu một trường hợp điển hình và cho thấy tổng chi phí thiệt hại cho ngành nông nghiệp của Syria trong giai đoạn 2011-2016 ít nhất cũng rơi vào 16 tỉ đô la.

Để giảm rủi ro, trước tiên phải hiểu được rủi ro

Theo nghiên cứu của FAO, có tới gần ¼ tổn thất tài chính do thiên tai trong giai đoạn 2005-2015 thuộc về ngành nông nghiệp
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh các mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp ngày càng tăng về cả quy mô và cường độ, việc xây dựng cơ cấu đầy đủ về quản trị thiên tai và khủng hoảng – bao gồm cả chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường năng lực và cơ chế tài chính có mục tiêu – đóng vai trò rất quan trọng.

Để đạt được hiệu quả, chiến lược về giảm rủi ro, ứng phó nhân đạo, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu phải căn cứ vào số liệu và bằng chứng rõ ràng về tác động của thảm họa đối với nông dân và người sản xuất lương thực.

Đây là lý do tại sao FAO xây dựng phương pháp luận để đánh giá một cách hệ thống thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nông nghiệp. Phương pháp này đưa ra một cách tiếp cận đã chuẩn hóa để có được kết quả có thể so sánh ở quy mô toàn cầu, quốc gia và vùng. Đây cũng là lần đầu tiên có phương pháp phân tích được cả về thiệt hại cho ngành thủy sản và lâm nghiệp. Do đó, phương pháp luận của FAO giúp đưa ra kết quả đánh giá chính xác và chi tiết hơn.

Phương pháp luận trên của FAO đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua là một phần của hệ thống giám sát đã được xây dựng theo Khung hành động Sendai 2015 về Giảm thiểu rủi ro thiên tai nhằm giúp theo dõi việc hoàn thành mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai toàn cầu cũng như mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững..

Mất cân bằng sinh kế

Sinh kế của 2,5 tỉ người trên hành tinh hiện đang phụ thuộc vào nông nghiệp.

Nông dân, người chăn nuôi và ngư dân quy mô nhỏ cũng như cộng đồng phụ thuộc vào rừng đang tạo ra hơn một nửa sản lượng nông nghiệp của cả thế giới.

Thông thường, những người nghèo không có tiền mặt và tài sản phải chịu nhiều rủi ro thiên tai, như mùa màng, thiết bị, vật dụng, vật nuôi, hạt giống, cây trồng và lương thực dự trữ bị thiệt hại hoặc bị phá hủy.

Tổn thất trong ngành trồng trọt và chăn nuôi do các loại hình thiên tai gây ra

Hạn hán

29 tỉ đô la, từ năm 2005 đến năm 2015

Lũ lụt

19 tỉ đô la

Động đất/ sạt lở đất / dịch chuyển khối

10,5 tỉ đô la

Các thảm hoạ về khí tượng khác, như nhiệt độ cực đoan và bão

26,5 tỉ đô la

Thảm họa sinh học, chẳng hạn như lây nhiễm dịch bệnh

9,5 tỉ đô la

Cháy rừng

1 tỉ đô la

 Ngành nông nghiệp của khu vực nào bị ảnh hưởng nặng nhất

Châu Á

48 tỉ, từ năm 2005 đến năm 2015

Châu Phi

26 tỉ

Châu Mỹ Latin và Caribe

22 tỉ

Đọc Báo cáo tại

http://www.fao.org/3/I8656EN/i8656en.pdf