FAO in Viet Nam

Hỗ trợ toàn cầu giúp Việt Nam chuẩn bị đáp ứng với vi rút H7N9

21/02/2018

Nguy cơ vi rút cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam gia tăng sau khi các chủng cúm gia cầm độc lực cao này được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2016, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam, nhanh chóng triển khai các hành động nhằm ngăn chặn vi rút cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Mặc dù chủng cúm gia cầm mới có nguồn gốc từ Trung Quốc này chưa lây lan tới Việt Nam, nhưng việc tăng cường các biện pháp phòng chống là hết sức quan trọng bởi chúng gây nguy cơ đáng e ngại cho sức khỏe cộng đồng cũng như ngành chăn nuôi gia cầm tại trong nước.

Nhận thức sự nghiêm trọng của tình hình, các lãnh đạo quản lý cao cấp khu vực và toàn cầu của FAO (gồm ngài Dominque Burgeon, Giám đốc Cơ quan Khôi phục và khẩn cấp của FAO; ngài Juan Lubroth, Giám đốc Cơ quan thú y của FAO; và và bà Wantanee Kalpravidh, Giám đốc khu vực của FAO phụ trách Trung tâm Phòng chống  và Kiểm soát Khẩn cấp các Bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) đã đến Việt Nam để đánh giá sự chuẩn bị đáp ứng nguy cơ xâm nhập của vi rút H7N9 của khu vực và của Việt Nam, xác định nhu cầu cũng như trao đổi, thảo luận nhằm tăng cường sự hỗ trợ của FAO trong nỗ lực phòng chống và ứng phó nếu phát hiện sự xâm nhập của vi rút H7N9.

Nhóm các lãnh đạo của FAO đã làm việc với Ngài Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y để thúc đẩy các hoạt động chuẩn bị và đáp ứng trong trường hợp khẩn cấp tại Việt Nam cũng như  trao đổi về các hỗ trợ hơn nữa từ FAO để bảo vệ đất nước an toàn trước nguy cơ xâm nhập của H7N9 cũng như trước các tác động gây ra khi thời tiết thay đổi.

Đoàn công tác cũng đã có các buổi trao đổi với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị tài trợ chính của chương trình phòng chống cúm gia cầm, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối tác triển khai chương mình Một Sức khỏe chủ chốt của FAO, nhằm rà soát sự chuẩn bị cũng như các hành động ứng phó bao gồm phát hiện nhanh sử dụng thiết bị chấn đoán di động/cầm tay và các cơ chế đáp ứng dịch nhanh và liên tục (tiêu hủy gia cầm và đền bù tại các chợ, tiếp cận vật tư dự trữ và huy động nhân lực).

“Qua chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao khu vực và toàn cầu của FAO, chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam, với sự hỗ  trợ kỹ thuật của FAO và hỗ trợ tài chính của USAID, có thể giảm thiểu nguy cơ xâm nhập và lây lan vi rút cúm H7N9 tại Việt Nam,” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cao cấp của FAO Việt Nam phát biểu.  

Sau chuyến thăm này, một phái đoàn từ Trung tâm Quản lý Khủng hoảng của FAO (CMC) sẽ đến Việt Nam để rà soát và đánh giá kế hoạch dự phòng liên quan đến H7N9 bao gồm việc phát  triển các phương thức tiêu hủy và hỗ trợ. Đồng thời, báo cáo về tác động do thảm họa gây ra đối với ngành nông nghiệp và an ninh lương thực cũng sẽ được chuẩn bị nhằm phục vụ Hội thảo khu vực về giảm thiểu nguy cơ thảm họa sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 15-16/3/2018.