FAO in Viet Nam

FAO công bố báo cáo về tính bền vững của các chuỗi giá trị biogas và ethanol từ sắn tại Việt Nam

26/04/2018

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2018 - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hôm nay đã đưa ra báo cáo “Tính bền vững của các chuỗi giá trị biogas và ethanol từ sắn tại Việt Nam, kết quả và khuyến nghị từ việc thực hiện các chỉ số của Đối tác năng lượng sinh học toàn cầu”.

Báo cáo này trình bày kết quả của dự án FAO thực hiện trong hai năm “Tăng cường năng lực để nâng cao tính bền vững của năng lượng sinh học thông qua việc sử dụng các chỉ số của Đối tác năng lượng sinh học toàn cầu (GBEP) tại Việt Nam”, do Sáng kiến khí hậu quốc tế của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân CHLB Đức tài trợ và được thực hiện dưới sự chỉ đạo của VAAS, thay mặt cho Bộ NN&PTNT.

Các đại biểu tham dự buổi lễ có đại diện từ Bộ NN&PTNT, văn phòng Hội sở chính của FAO, văn phòng FAO tại Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội, VAAS, Viện Môi trường Nông nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Công nghệ Châu Á.

Dự án đã tăng cường năng lực cho Việt Nam để theo dõi các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của ngành năng lượng sinh học, thông qua việc thực hiện các chỉ số bền vững của GBEP cho năng lượng sinh học và hỗ trợ kỹ thuật liên quan. Bằng cách xác định hai lộ trình sinh học ưu tiên - biogas và ethanol từ sắn- và phân tích các tác động môi trường, xã hội và kinh tế liên quan, dự án đã đưa ra các khuyến nghị về cách thức cải thiện tính bền vững, tính hiệu quả và tính cạnh tranh của hai loại năng lượng sinh học này. Điều này sẽ được chuyển biến thành những đóng góp được tăng cường cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng năng lượng và tạo ra thu nhập. Hơn nữa, dự án đã thành lập một Nhóm công tác đa bên với 50 bên liên quan đến từ khu vực công và tư, từ đó thiết lập cơ sở cho việc hình thành một nền tảng quốc gia cho công tác giám sát tính bền vững của ngành năng lượng sinh học về lâu dài.

“Dự án đã cung cấp cho Việt Nam sự hiểu biết về cách thiết lập các phương tiện giám sát định kỳ và dài hạn của ngành năng lượng sinh học trong nước dựa trên các chỉ số GBEP. Việc giám sát định kỳ này sẽ nâng cao kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực này, cũng như về cách thức đánh giá những đóng góp của ngành nông nghiệp và năng lượng vào sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung. Việc thực hiện các chỉ số GBEP ở Việt Nam cũng cung cấp một loạt các bài học kinh nghiệm về cách thức áp dụng các chỉ số này như một công cụ để phát triển bền vững, cũng như cách thức để nâng cao tính thực tiễn của chúng”, Tiến sĩ Maria Michela Morese, quan chức FAO tại trụ sở chính cho biết.

Trong số các khuyến nghị chính của mình, dự án nhấn mạnh cách thức mà một khuôn khổ dài hạn để giám sát tính bền vững của năng lượng sinh học sẽ cho phép đánh giá các đóng góp từ ngành năng lượng sinh học hiện đại để giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, và để thực hiện Các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Công tác giám sát này cũng có thể cung cấp thông tin về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ năng lượng sinh học, cũng như thông tin phục vụ việc sửa đổi và điều chỉnh các chính sách này.

Việc trao đổi thông tin về các thực hành tốt, kinh nghiệm và bài học là nền tảng để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam. Dự án, thông qua Nhóm công tác đa bên và các hội thảo liên quan trong quá trình thực hiện, đã kích thích các cuộc thảo luận hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia từ Việt Nam và các quốc gia khác nhau trong khu vực ASEAN, đồng thời mở đường cho các cơ hội hợp tác trong tương lai. Duy trì các cuộc đối thoại khu vực tích cực về các vấn đề phát triển năng lượng sinh học bền vững sẽ là chìa khóa để khai thác những cơ hội này.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ

Ông Đào Thế Anh, Phó  Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam [email protected]
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Cán bộ chương trinh FAO tại Việt Nam [email protected]