FAO in Viet Nam

Giám sát khả năng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam

18/05/2018

Hà Nội, Việt Nam. Kháng thuốc (AMR) là mối đe dọa đa chiều đối với khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lan truyền ở người và động vật, thông qua thức ăn, nước và môi trường. Hiểu được mức độ AMR trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là cơ sở nền tảng để thúc đẩy hành động và là yếu tố quan trọng để đo lường tác động của các sáng kiến trong việc giải quyết vấn đề này.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã phối hợp với Cục Thú y (CTY) tổ chức hội thảo về “Giám sát kháng thuốc trong chăn nuôi và sản xuất lương thực phẩm ở Việt Nam ”vào ngày 13 tháng 4 năm 2018. Hội thảo chia sẻ kết quả ban đầu của hoạt động thí điểm giám sát AMR do Cục Thú Y tiến hành vào cuối năm 2017, xây dựng chương trình quốc gia về giám sát kháng thuốc. Hoạt động giám sát thí điểm, được thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của FAO, xác định mức độ nhạy cảm của vi khuẩn E.coli và Salmonella không thương hàn (NTS) được phân lập từ các mẫu gà và lợn thu thập từ các điểm giết mổ đối với 20 loại chất kháng khuẩn. Kết quả cho thấy có mức độ kháng cao đối với các thuốc kháng khuẩn thường được sử dụng trong chăn nuôi gà và lợn (Tetracycline, Sulphamethoxazole, Trimethoprim) nhưng mức độ kháng thấp đối với các thuốc thường được sử dụng cho người (Ceftiofur, Cefotaxime, Ceftaxidime); kháng thuốc với các loại kháng sinh quan trọng mà WHO khuyến cáo (penicillin, aminoglycoside và quinolone) đã được quan sát thấy ở cả gà và lợn và tỷ lệ kháng với khuẩn E.coli và NTS cao hơn ở gà so với lợn.

Dựa trên kết quả giám sát và kinh nghiệm chia sẻ của các chuyên gia AMR ngành y tế, các đại biểu đã thảo luận cách thức xây dựng chương trình quốc gia giám sát AMR cho ngành nông nghiệp bao gồm kế hoạch lấy mẫu, phát triển năng lực phòng thí nghiệm và chương trình quản lý sử dụng kháng sinh ở cấp tỉnh.

“Trong hai năm qua, FAO ECTAD Việt Nam đã hỗ trợ Cục Thú y xây dựng năng lực và khả năng giám sát AMR cho Việt Nam; hoạt động giám sát thí điểm này là cơ sở cho chương trình quốc gia về giám sát kháng thuốc, và hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý kháng thuốc và sử dụng kháng sinh dựa trên bằng chứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các nhà sản xuất động vật và các bên liên quan trong việc áp dụng thực hành tốt trong chăn nuôi và sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm để giảm nguy cơ phát triển và lây lan AMR ”, Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của ECTAD phát biểu.

Các hoạt động giám sát AMR được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong khuôn khổ dự án cấp khu vực “Giải quyết việc sử dụng kháng khuẩn trong ngành chăn nuôi khu vực Châu Á”, Việt Nam là một trong các nước tham gia dự án.