FAO in Viet Nam

Bước tiến về quản trị đối với quyền sử dụng đất ở Việt Nam

24/07/2018

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc  (FAO) đã phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức hội thảo quốc gia về “Hướng dẫn tự nguyện về Quản trị có trách nhiệm đối với Quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia (VGGT)”. Hội thảo kéo dài 4 ngày và có sự tham gia của nhiều bên nhằm nâng cao nhận thức cũng như thảo luận về việc sử dụng và thực hiện VGGT.

Sáu năm đã trôi qua kể từ khi VGGT được Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới thông qua vào ngày 11/5/2012, và ba năm kể từ khi thống nhất Mục tiêu Phát triển bền vững. VGGT là một công cụ quốc tế được nhiều đối tượng sử dụng để nâng cao công tác quản trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản. VGGT được coi là tài liệu tham chiếu, đưa ra nguyên tắc và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về các thực hành quản trị có trách nhiệm đối với quyền sử dụng đất. Hướng dẫn này hoàn toàn mang tính tự nguyện và không thay thế cũng như không làm giảm nghĩa vụ của luật cũng như công ước mà Việt Nam tham gia.

Để phát huy quyền làm chủ và cam kết của quốc gia về thực hiện bền vững VGGT, FAO hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho toàn hệ thống (trong đó có người dân, cơ quan, tổ chức và môi trường chính sách thuận lợi) sau khi cả hai bên đã cùng nhau đánh giá nhu cầu của quốc gia. Chủ đề phân tích năng lực có sự tham gia (CA) được đề cập tại cuộc hội thảo. CA là cả một quá trình có cấu trúc, toàn diện và có tương tác, trong đó việc thảo luận với các bên liên quan chính của quốc gia và tự đánh giá các bên liên quan đó tập trung vào các vấn đề lớn về năng lực, quan niệm và đề xuất cải tiến ở các cấp khác nhau. Ngoài ra, để đưa ra những sáng kiến học tập có khả năng tăng cường năng lực cho từng bên liên quan của quốc gia một cách hiệu quả, hội thảo cũng có một phần nội dung về Phân tích Nhu cầu Học tập (LNA). Mục đích của LNA là xác định nhu cầu học tập tiềm năng của từng đối tượng nhằm nâng cao khả năng của các đối tượng đó trong việc thực hiện VGGT và thúc đẩy quản trị có trách nhiệm đối với quyền sử dụng đất ở cấp quốc gia.    

Việc kết hợp CA/LNA sẽ tạo nền tảng để đưa ra nhiều hoạt động VGGT phù hợp hơn cho quốc gia, từ nay tới giữa năm 2020, trên cơ sở chiến lược tăng cường năng lực toàn hệ thống. Chiến lược này được tin là sẽ đưa ra một công cụ giúp thúc đẩy thảo luận về công tác quản trị quyền sử dụng đất hiện nay, hướng dẫn xây dựng và thực hiện luật và chính sách liên quan, giúp tăng cường việc sử dụng VGGT làm tài liệu để rà soát xem có thể đánh giá công tác quản trị quyền sử dụng đất nào, và đưa ra ví dụ về thực hành tốt.

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC).