FAO in Viet Nam

Loại bệnh xâm lấn liên quan đến việc ăn cá nước ngọt sống ở Đông Nam Á

22/06/2021

Việc ăn cá nước ngọt sống, thức ăn chủ yếu của hàng triệu người tại nhiều vùng ở Đông Nam Á, đang nhận được sự soi xét rất kỹ lưỡng sau việc phát hiện ra một nguy cơ từ loại thực phẩm này ở một số quốc gia trong khu vực, khiến các chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cũng như nhiều tổ chức khác phải đưa ra lời cảnh báo.

Một loại bệnh xâm lấn Liên cầu khuẩn Nhóm B (GBS) có liên quan tới việc ăn cá nước ngọt sống mà Văn phòng FAO Khu vực Châu Á Thái Bình Dương gần đây phải công bố hồ sơ rủi ro nhằm nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm này. Theo bà Masami Takeuchi, Cán bộ về An toàn thực phẩm của FAO: “Có nhiều người không nhận thức được những rủi ro liên quan tới việc ăn cá nước ngọt sống, mà việc này lại là thói quen khá phổ biến ở Đông Nam Á. Những loại bệnh mà thói quen này gây ra có thể nghiêm trọng, mặc dù không phải lúc nào hậu quả của nó cũng có thể thấy rõ hoặc xảy ra ngay tức thì, và trong một số trường hợp điều này khiến việc chẩn đoán và điều trị kịp thời trở nên khó khăn.”

Hiểu về rủi ro – tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề này Những vấn đề do ăn cá nước ngọt sống nhiễm khuẩn ở khu vực này được phát hiện lần đầu vào năm 2015, khi có ít nhất 146 người bị ngộ độc ở Singapore. Một số người phải chịu những hậu quả nặng nề, bao gồm cả việc phải cắt bỏ tay/chân do bị nhiễm trùng máu nặng. Vụ việc này sau đó được xác nhận là do Liên cầu khuẩn Nhóm B (GBS) gây ra, và chủng cụ thể gây ra sự cố nói trên là loại trình tự gien 283 (ST283). Theo lời Phó Giáo sư Timothy Barkham làm việc ở Khoa Y học Thí nghiệm, Bệnh viện Tock Seng, Singapore – người đã có đóng góp cho báo cáo của FAO:
"Nhiều nhà vi sinh vật học rất ngạc nhiên vì bệnh Liên cầu khuẩn Nhóm B (GBS) xâm lấn trước đây chưa từng được biết đến là có thể lây qua đường thực phẩm. Một điểm gây ngạc nhiên khác là chủng GBS ST283 có ở trên thực phẩm này lại ảnh hưởng tới cả người trưởng thành khỏe mạnh. GBS thường rất ít xuất hiện ở những người trưởng thành khỏe mạnh.”

Ngoài Singapore, các trường hợp bệnh do chủng GBS ST283 xâm lấn cũng đã được ghi nhận ở Trung Quốc, Đặc khu Kinh tế Hồng Kông, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất ít thông tin được biết đến, và danh sách những điểm thiếu chắc chắn cũng như những thiếu hụt về dữ liệu được xác định còn rất lớn, do đó vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ các rủi ro liên quan. Các chuyên gia cho biết, nếu không có bộ dữ liệu đầy đủ và được xác thực thì cần phải có một nghiên cứu với phạm vi địa lý rộng hơn nhiều để có thể xác định xem loại bệnh này chỉ xuất hiện ở Đông Nam Á, hay nó có lan rộng ra xa hơn. Cũng có thể là các trường hợp nhiễm GBS ST283 được báo cáo là cực kỳ ít ỏi so với thực tế. Các nước có thể làm gì, tốt nhất là các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm nên có sẵn những kết quả đánh giá rủi ro đầy đủ để cân nhắc những giải pháp kiểm soát rủi ro, song với tất cả các yếu tố chưa chắc chắn và thiếu dữ liệu, hiện tại chỉ có thể đưa ra những khuyến nghị thực tế mang tính hạn chế.

Nói chung, điều cần làm là khuyến khích thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP). Ngoài ra, việc lập kế hoạch cho một chiến dịch an toàn thực phẩm tổng quát và có mục tiêu, nhằm vào đối tượng là người tiêu dùng, người dân địa phương hoặc người dân ở các thôn bản nhằm thông tin cho họ về những rủi ro tiềm tàng khi ăn cá nước ngọt sống có thể là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đặc biệt là ở những nơi việc ăn cá nước ngọt sống được coi là phổ biến. Bà Masami Takeuchi chia sẻ: “Mặc dù việc tiếp tục củng cố các khía cạnh khác nhau trong hệ thống kiểm soát thực phẩm của mỗi quốc gia là cần thiết, song một điều cũng quan trọng nữa là các cơ quan có thẩm quyền trước hết phải nhận thức được vấn đề này. Bởi vấn đề này còn tương đối mới, để có một cái nhìn tổng quan về những gì hiện đã biết về loại bệnh lây qua thức ăn này, chúng ta có thể đọc trong hồ sơ rủi ro của FAO, thảo luận với tất cả các bên liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và nghề cá/nuôi trồng thủy sản nhằm trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm – đó đều là những bước đi đầu tiên cần thiết".

Dưới đây là một số điểm cụ thể cần cân nhắc mà các chuyên gia khuyến nghị cần tuyên truyền cho các bên liên quan và người dân ở các thôn bản: • kiểm tra bằng mắt thường: việc loại bỏ những con cá nhìn có vẻ bất thường/bị bệnh được cho là có thể giảm thiểu rủi ro, tuy nhiên người dân cũng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào việc kiểm tra bằng mắt thường, bởi những con cá trông có vẻ khỏe mạnh cũng không đảm bảo chắc chắn an toàn; • xử lý bằng nhiệt: nhiều người đều biết việc xử lý nhiệt/nấu chín là biện pháp giảm thiểu rủi ro hiệu quả; • xử lý không dùng nhiệt: không có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp chế biến cá truyền thống không qua xử lý nhiệt có thể mang lại hiệu quả. Việc cấp đông không phải là một biện pháp kiểm soát hiệu quả.