FAO in Viet Nam

FAO và WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng tử vong do bệnh dại

28/09/2021

Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại 2021: Hãy tìm hiểu Sự thật để không sợ hãi

Hà Nội, Việt Nam. Hôm nay ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm 2021, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các ngành các cấp cần phải hành động để hướng tới việc chấm dứt các trường hợp tử vong ở người vì bệnh dại từ chó trên toàn thế giới vào năm 2030.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo toàn cầu cần phải chuẩn bị sẵn sàng và kiểm soát tốt hơn các bệnh truyền nhiễm. Trong một năm rưỡi vừa qua, toàn thế giới đã nhanh chóng ứng phó với đại dịch COVID-19 và đưa ra được những sáng kiến để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bao gồm việc tiêm vắc xin. Trái lại, mặc dù cũng được xem là một căn bệnh truyền nhiễm trong hơn một ngàn năm qua và gây tử vong cho người bao gồm cả trẻ em tại Việt Nam, nhưng bệnh dại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ để có thể kiểm soát sự lây lan và hậu quả của nó.

Chủ đề của năm nay, Bệnh dại: Sự thật, không sợ hãi, nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về bệnh dại và giảm nỗi lo sợ về căn bệnh này bằng cách đưa ra các thông tin chính xác. Trọng tâm của chủ năm nay đề chú trọng vào Thực tế về sự nguy hiểm của bệnh dại và cách phòng ngừa bệnh chứ không lan truyền Nỗi sợ về căn bệnh bằng việc dựa vào các thông tin không chính xác và những điều thần bí. Mỗi người đều có vai trò trong việc phòng và chống bệnh dại, tương tự như phòng và chống COVID-19, cần bắt đầu bằng sự hiểu biết về thực tế chứ không phải bằng cách lan truyền nỗi sợ hãi thông qua những thông tin không chính xác.

Theo Chương trình Quốc gia về Kiểm soát và Loại trừ Bệnh dại của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 40 người đã tử vong vì bệnh dại tại 22 tỉnh thành ở Việt Nam. Mặc dù số trường hợp tử vong do bệnh dại tại một số tỉnh đã giảm rõ rệt, nhưng tổng số trường hợp tử vong do bệnh dại trên người trong giai đoạn 2017-2021 đã tăng tại 20 tỉnh so với giai đoạn 2011-2016. Đây là điều đáng lo ngại khi nhiều tỉnh trước đây từng báo cáo là không có trường hợp bệnh giờ đã báo cáo xuất hiện các trường hợp bệnh.

Tử vong do bệnh dại là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Nhân ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại, FAO và WHO kêu gọi Chính phủ Việt Nam ở tất cả các cấp cần ưu tiên và tăng cường các nguồn lực để quản lý đàn chó, tiêm vắc xin cho chó và cung cấp dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn. Khi hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể: 1) nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cho động vật, nhất là chó, và tiêm vắc xin cho người bị chó cắn; 2) tăng cường sự sẵn có, khả năng tiếp cận, và khả năng chi trả về vắc xin cho người và động vật; và 3) vận động sự cam kết từ cấp cao nhằm chấm dứt tình trạng tử vong ở người do bệnh dại từ chó vào năm 2030.

“Trong khi vắc xin bệnh dại hiệu quả cho người và động vật là công cụ quan trọng để ngăn ngừa tử vong ở người do bệnh dại, thì nhận thức là yếu tố then chốt để cộng đồng tham gia vào nỗ lực phòng và kiểm soát bệnh dại”, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam phát biểu. “WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao nhận thức của người dân và chương trình loại trừ bệnh dại, và chúng tôi kêu gọi các cơ quan, tổ chức địa phương, quốc gia và quốc tế cùng chung tay trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm mở rộng độ bao phủ của tiêm vắc xin phòng bệnh dại và chấm dứt tình trạng tử vọng ở người do bệnh dại từ chó tại Việt Nam”.

“Tiêm vắc xin cho chó là biện pháp hiêu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất để bảo vệ mọi người không mắc bệnh dại. Vắc xin có chất lượng cao hiện có sẵn. Độ bao phủ của vắc xin cần đạt được ít nhất là 70% tổng đàn chó để chấm dứt sự lây truyền bệnh dại từ chó sang người. Vắc xin cho người an toàn và hiệu quả cũng sẵn có và là vắc xin dự phòng cho trước và sau phơi nhiễm. FAO tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách và cơ chế quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng tử vong ở người do bệnh dại từ chó”, Bà Rana Flowers, Quyền Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu.

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, phối hợp với các đối tác Một Sức Khỏe ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực nâng cao truyền thông cộng đồng; tăng cường quản lý và tiêm vắc xin cho đàn chó; đồng thời, đảm bảo rằng tất cả những người bị chó cắn phải được tiêm vắc xin ngay lập tức. Hai bộ sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau, nhằm thực hiện Chương trình Quốc gia Phòng, chống Bệnh dại lần thứ 3 cho giai đoạn 2022-2030, hướng tới mục tiêu cuối cùng là chấm dứt tình trạng tử vong ở người do bệnh dại từ chó vào năm 2030.

Bệnh dại là một căn bệnh do vi-rút gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và cuối cùng dẫn tới tử vong ở người và động vật. Căn bệnh này có thể phòng tránh và kiểm soát được. Các biện pháp phòng chống với các bước đã được xác định, có thể giảm rõ rệt việc lây truyền bệnh dại, tránh được 60,000 ca tử vong ở người mỗi năm. Điều đáng buồn, và hoàn toàn có thể phòng tránh được, là trên thực tế cứ 10 người bị cắn bởi động vật nghi bị dại, thì bốn người trong số đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Những người có nguy cơ cao là những người sống ở vùng nông thôn, và tại các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, đó là những nơi không dễ dàng để tiếp cận với vắc xin và huyết thanh kháng dại. Điều này cần phải thay đổi.

Cùng nhau, chúng ta có thể đạt được mục tiêu “Không còn tử vong vì bệnh dại từ chó vào năm 2030”.

Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại

Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại được đưa ra nhằm nâng cao hiểu biết và vận động cho việc loại trừ bệnh dại trên toàn cầu và được thiết kế để đoàn kết tất cả mọi người, các tổ chức, và các bên liên quan chống lại bệnh dại.

Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại được tổ chức hàng năm vào ngày 28/09. Ngày này được chọn là Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại vì đây là ngày kỷ niệm ngày qua đời của Louis Pasteur – người đầu tiên phát minh ra vắc xin dại thành công.

Việc hợp tác là quan trọng để đạt được thành công và chúng tôi khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người. Cách duy nhất để chúng ta loại trừ bệnh dại và chấm dứt những mất mát là hợp tác cùng nhau và cùng hướng tới một mục tiêu chung – đó là Không còn tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Để có thêm thông tin, đề nghị liên hệ:

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO)
Pawin Padungtod
Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao
Tel: 84-24-3202-0019
Email: [email protected]

Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO Việt Nam)
Trần Thị Loan
Trợ lý Truyền thông
Tel: 84-24-38500100
Email: [email protected]