FAO in Viet Nam

Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống Lương thực thực phẩm - FAO đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các kết quả và phối hợp với các bên nhằm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm

23/09/2021

New York / Rome. Được tổ chức trong tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York, Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống Lương thực thực phẩm quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới, chuyên gia, nông dân và nhà sản xuất, người dân bản địa, khối tư nhân và xã hội dân sự, kết nối các bên tham gia vào một trong những nỗ lực toàn diện nhất nhằm gắn việc sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp thực phẩm với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong thời điểm vô cùng quan trọng. Sau nhiều thập kỷ với con số suy giảm một cách tích cực, số người đói đã gia tăng trong 5 năm qua và đại dịch COVID-19 đã làm phức tạp thêm vấn đề, tạo ra những trở ngại nghiêm trọng trong tiến độ để đạt được các SDGs vào năm 2030.

Lần đầu tiên, một cách tiếp cận toàn diện hướng tới chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm đã được áp dụng tại sự kiện này nhằm chống lại đói nghèo, giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu (Khuất Đông Ngọc) cam kết rằng FAO sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các kết quả của hội nghị và sẽ làm việc với tất cả các bên để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm. Ông nhấn mạnh sự tập trung của FAO vào việc tăng cường giao diện chính sách-khoa học và nhu cầu “đầu tư lâu dài và có mục tiêu tốt hơn”. Ông cũng cho biết FAO sẽ dùng các chương trình tiên phong của mình, như Sáng kiến Tay trong Tay và Liên minh Lương thực Thực phẩm, làm cơ chế quan trọng để đẩy nhanh việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm ở cấp quốc gia và huy động vốn đầu tư cần thiết.

Trong các cuộc đối thoại và tuyên bố cam kết của các quốc gia đối với tiến trình Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng “minh bạch, có trách nhiệm và bền vững”. Chủ tịch nước nhấn mạnh sáu ưu tiên, bao gồm:

• Theo đuổi mô hình phát triển nông nghiệp đa giá trị, bao gồm các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa, cảnh quan và môi trường. Đảm bảo phát triển nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và “dựa vào tự nhiên”, có khả năng chống chịu với khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19, tập trung vào phát triển kinh tế nông thôn vì an ninh lương thực. Giảm thất thoát và lãng phí lương thực, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

• Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong việc đầu tư có trách nhiệm và nhân rộng mô hình hợp tác công tư hiệu quả.

• Xây dựng và cập nhật bảng cân đối lương thực quốc gia để định hướng sản xuất và phân phối. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm tạo hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, thói quen ăn uống phù hợp, cân bằng dinh dưỡng, xu hướng tiêu dùng xanh, có trách nhiệm, tránh thất thoát, lãng phí.

• Chuyển đổi kỹ thuật số cùng với cải cách chính sách và thể chế, trong đó nông dân và người tiêu dùng là trọng tâm chính. Hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tập trung vào an toàn thực phẩm và các quy trình, chất lượng được tiêu chuẩn hóa.

• Tham gia các thỏa thuận hợp tác của LHQ với mục đích trở thành trung tâm lương thực sáng tạo trong khu vực.

• Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với thiên tai, dịch bệnh và quản lý bền vững tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học, nước xuyên biên giới và biển.

Chủ tịch nước cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc “cùng hợp tác” để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.