FAO in Viet Nam

Nỗ lực không ngừng của FAO và Chính phủ Việt Nam trong việc đóng góp vào an ninh y tế toàn cầu

Đại biểu tham dự hội thảo
05/11/2021

Trong bối cảnh bình thường mới COVID-19, hôm nay Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tổ chức hội thảo triển khai dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người từ động vật tại Việt Nam.”

Dự án này được xây dựng dựa trên thành công và các bài học kinh nghiệm từ dự án “Các Mối nguy cơ Đại dịch mới nổi (EPT2): Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa đối với sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật”. Dự án cũng tính đến tầm quan trọng của việc giải quyết mức độ phức tạp liên tục thay đổi của dịch tễ học của bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (EID) khác trong khu vực. Ba kết quả mong đợi của dự án bao gồm: 1) tăng cường quản lý rủi ro cho sức khỏe cộng đồng thông qua cải thiện giám sát và chia sẻ thông tin về bệnh truyền nhiễm từ động vật và kháng kháng sinh (AMR) trên tất cả các lĩnh vực; 2) giảm nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật và AMR xuất hiện và lây truyền dọc theo chuỗi sản xuất động vật; và 3) các công cụ chính sách dựa trên bằng chứng về bệnh truyền nhiễm từ động vật, AMR và cơ chế kiểm soát liên quan đến sản xuất động vật được thiết kế và sửa đổi.

Dự án được mong đợi sẽ hỗ trợ Bộ NN & PTNT phát triển hơn nữa năng lực phối hợp giữa các cơ quan, chia sẻ thông tin và thu hẹp khoảng cách đã được xác định từ dự án EPT-2. Dự án cũng tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ quan liên quan của Bộ NN & PTNT, bao gồm Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST). Thông qua dự án này, Bộ NN & PTNT được mong đợi sẽ đạt mức độ bền vững về năng lực kỹ thuật trong phòng chống AMR và bệnh truyền nhiễm từ động vật theo tiêu chí Đánh giá Độc lập Chung (JEE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Với năng lực được tăng cường, Bộ NN & PTNT sẽ có thể giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe từ nhiều loài động vật khác nhau. Điều này sẽ cho phép ngành chăn nuôi tiếp cận với các thị trường rộng hơn. Đổi lại, thu nhập quốc dân tăng sẽ cho phép Bộ NN & PTNT có thể duy trì các thành tựu của dự án trong tương lai.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển cùng thảo luận về kế hoạch làm việc cũng như các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện dự án. Các bài trình bày có sự tham gia của đại diện Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, TTKNQG, Cơ quan quản lý CITES và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn.

Các bệnh truyền nhiễm từ vật nuôi và động vật gây ra những rủi ro tiềm ẩn và có khả năng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trung tâm Phòng Chống và Kiểm soát khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) của FAO tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về ứng phó khẩn cấp và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh, bao gồm tìm hiểu các hệ thống nuôi và chuỗi giá trị khác nhau.

Tại sự kiện này, Tiến sĩ Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao của ECTAD, ghi nhận sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dành cho Bộ NN & PTNT và FAO nhằm đóng góp cho Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu.
Thay mặt FAO, Tiến sĩ Padungtod cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác hiệu quả để đóng góp vào an ninh y tế toàn cầu và các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, cũng như thực hiện khát vọng của FAO nhằm cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống”.