FAO in Viet Nam

Các nước Châu Á – Thái Bình Dương nỗ lực chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ số – và FAO sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên trong khu vực

07/03/2022

Bài viết của Tiến sĩ QU Dongyu (Khuất Đông Ngọc), Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

Hiện nay, nhiều nơi trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang gặp khó khăn trong vấn đề đảm bảo dinh dưỡng. Có khoảng 40% người dân trong khu vực không được tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, và ở một số nơi nạn đói đang có xu hướng quay trở lại thay vì dần biến mất. Tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) liên quan đến giảm nghèo (SDG 1) và xóa đói (SDG 2) hiện đều đang bị chậm lại trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống và sinh kế của người dân.

Điều may mắn là bức tranh chung không phải chỉ có màu xám, và đã có những dấu hiệu của sự lạc quan và tiến bộ. Những kết quả bước đầu trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm trong khu vực đang dần thay đổi cách thức sản xuất, tiếp thị và tiêu dùng lương thực-thực phẩm theo hướng bền vững. Việc chuyển đổi này cho thấy những người sản xuất ở Châu Á-Thái Bình Dương đã có nhận thức cao hơn, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng hơn.

Nông dân tham gia trồng trọt và chăn nuôi, ngư dân, người chăn thả gia súc cũng như những người sản xuất khác, cùng với các nhà bán lẻ – cả quy mô nhỏ và lớn – đều đang thành công trong việc chuyển đổi theo hướng áp dụng các ý tưởng đổi mới sáng tạo cũng như công nghệ số. Những cải tiến trong sản xuất và quản lý tài nguyên bền vững giúp cho người dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần đẩy lùi suy thoái môi trường.

Tất cả điều này đang giúp tạo ra một sự thay đổi về mô hình, đồng thời cũng đang diễn ra tại các khu vực khác trên thế giới. Ở Châu Á – Thái Bình Dương, có một phong trào rõ rệt và ngày càng phát triển hướng tới đổi mới sáng tạo và số hóa trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản.

Thói quen mua sắm lương thực-thực phẩm là một ví dụ quan trọng. Việc mua sắm thực phẩm trực tuyến không còn là hiện tượng riêng của các nền kinh tế phát triển cao, và hiện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm đến 4/5 doanh số bán hàng trực tuyến các loại thực phẩm hàng ngày.

Đây chỉ là một khía cạnh của cuộc cách mạng chuyển đổi hệ thống các lương thực-thực phẩm đang diễn ra một cách nhanh chóng tại các quốc gia trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương, từ Tây Á, Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á, cho đến các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Tại các Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) ở Thái Bình Dương, các doanh nghiệp cấp cơ sở đang ngày càng phát triển mạnh. Các ứng dụng sáng tạo trên điện thoại thông minh giúp những người sản xuất và người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn thực phẩm sáng suốt và bổ dưỡng. Khu vực tư nhân và các tổ chức phát triển cũng đang thúc đẩy tính sẵn có về số liệu nhằm giúp chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản tới các thị trường được hiệu quả hơn và kịp thời hơn, đồng thời lập bản đồ các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Có nhiều sáng kiến đổi mới trong số đó đã được giới thiệu tại “Diễn đàn về các giải pháp cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS)”, sự kiện được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cùng với Chính phủ Fiji đồng tổ chức lần đầu tiên vào tháng 8/2021, và dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức hai năm một lần.
Hiện vẫn còn một số thách thức trong việc truy cập dữ liệu theo yêu cầu và không bị gián đoạn, như chúng ta đã thấy trong trường hợp cáp thông tin liên lạc dưới biển của Tonga bị hư hỏng nặng sau đợt phun trào của núi lửa Hunga Tonga–Hunga Haʻapai. Tuy nhiên những thách thức này cũng sẽ mang lại những ý tưởng mới để chúng ta có thể vượt qua!

Tại FAO, chúng tôi đang phối hợp cùng với các nước thành viên trên toàn bộ khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm để trở nên hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn - vì lợi ích của tất cả mọi người. Thông qua Sáng kiến Chung tay, chúng tôi đang hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách của các nước trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng cường hơn nữa dữ liệu, công nghệ và đổi mới nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

Chúng tôi đang chủ động xác định và hỗ trợ triển khai các ngôi làng kỹ thuật số trên toàn khu vực trong khuôn khổ ‘Sáng kiến 1.000 làng kỹ thuật số’ của FAO. Chúng tôi cũng đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy các giải pháp cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển do chính các quốc đảo này tự đưa ra, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong Sáng kiến Chung tay, bao gồm tư vấn về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do đại dịch và khủng hoảng khí hậu gây ra đối với đời sống và sinh kế của người dân.

Những nội dung trên đều nằm trong số các chủ đề sẽ được thảo luận tại Phiên họp lần thứ 36 Hội nghị FAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được tổ chức tại Dhaka, Bangladesh, từ ngày 8 đến 11/3/2021. Các nước thành viên của FAO trong khu vực - tổng số 46 - sẽ cùng nhau thảo luận trên cơ sở chương trình nghị sự chuyển đổi và những hành động trong khuôn khổ Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, cũng như những khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm.

FAO hiện đang chủ trì và là nơi đặt trụ sở của một Trung tâm Điều phối được thành lập gần đây nhằm triển khai các kết quả từ Hội nghị thượng đỉnh nói trên. Trung tâm này sẽ hỗ trợ các nước trong việc tiếp tục xây dựng và triển khai các lộ trình quốc gia hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực-thực phẩm sao cho phù hợp với các ưu tiên quốc gia.

Thông qua phối hợp với các nước thành viên của FAO ở Châu Á và Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn cùng với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự, các hợp tác xã, các nghị viện cũng như khu vực tư nhân, đảm bảo tính bao trùm đối với phụ nữ và thanh thiếu niên. Đây chính là một phần trong cam kết của chúng tôi trong việc tham gia các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng lại tốt đẹp hơn.

FAO cũng đang hỗ trợ khu vực để có tư duy lớn và hành động cụ thể. Chúng tôi đang chìa ra bàn tay mang tính xây dựng của mình, song chúng tôi cũng cần có nhiều bàn tay hơn nữa để đạt được các mục tiêu chung của tất cả chúng ta. Vì một thế giới tốt đẹp hơn và tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta, chúng ta cần sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người – không để ai bị bỏ lại phía sau.

Muốn vậy, chúng ta cần có ý chí chính trị mạnh mẽ cùng với những hành động đa phương mang tính hiệu suất, hiệu quả và gắn kết cao.