FAO in Viet Nam

Công bố báo cáo quan trọng về “Sự phối hợp của Liên hợp quốc về bảo trợ xã hội: Đạt được sự đồng thuận về cách thức tăng cường xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội”

05/05/2022

FAO, ILO và UNICEF, cùng với các cơ quan khác trong hệ thống Liên hợp quốc cũng như các đối tác phát triển, đã thực hiện một hoạt động rà soát đánh giá nhằm cho thấy sự phối hợp của Liên hợp quốc (LHQ) về bảo trợ xã hội. Kết quả của hoạt động này chính là báo cáo “Sự phối hợp của Liên hợp quốc về bảo trợ xã hội: Đạt được sự đồng thuận về cách thức tăng cường xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội”, đã được công bố vào ngày 5 tháng 5, trong đó nêu rõ cách thức xây dựng những nỗ lực một cách hệ thống nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp và điều phối của Liên hợp quốc trong lĩnh vực bảo trợ xã hội.

Báo cáo đánh giá các hoạt động hợp tác của Liên hợp quốc về bảo trợ xã hội kể từ khi ra mắt Sáng kiến Tầng Bảo trợ Xã hội (SPF-I), một trong chín sáng kiến của Ban Giám đốc các cơ quan LHQ nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Chắt lọc các bài học trong hơn 10 năm các cơ quan Liên hợp quốc phối hợp với nhau về chủ đề này, báo cáo xác định những lĩnh vực ưu tiên cần có sự phối hợp nhiều hơn về bảo trợ xã hội, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan Liên hợp quốc trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ucraina đã gây ra những tác động tiêu cực đối với giá lương thực, nhiên liệu và phân bón. Các hệ thống bảo trợ xã hội giúp giảm nhẹ ảnh hưởng của những cú sốc này, bảo vệ người nghèo và những hộ gia đình dễ bị tổn thương đang phải chịu ít nhiều tác động từ những diễn biễn nói trên. Nạn đói và mất an ninh lương thực đang gia tăng, cho thấy tầm quan trọng của FAO trong việc tăng cường phối hợp, gắn kết và lồng ghép chính sách trong nông nghiệp cũng như các lĩnh vực xã hội. Một yếu tố then chốt ở đây là phải đảm bảo rằng các cơ chế bảo trợ xã hội không chỉ là những cơ chế ứng phó thụ động, mà phải được thiết kế để trở thành những yếu tố hỗ trợ cho các quá trình chuyển đổi nông thôn mang tính bao trùm.

Những lĩnh vực ưu tiên chính trong việc phối hợp về bảo trợ xã hội được xác định trong báo cáo này liên quan trực tiếp tới một số thách thức lớn mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Những thách thức này bao gồm việc thực hiện lời hứa về việc không để ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy bảo trợ xã hội bao trùm thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền, hỗ trợ chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang chính thức, đồng thời có tính đến nhóm đối tượng “missing middle” (những người thường làm các công việc phi chính thức, không có việc làm ổn định và không được tham gia bảo hiểm, nhưng cũng không thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ chính sách của nhà nước), đảm bảo nguồn ngân sách đầy đủ và bền vững cho công tác bảo trợ xã hội, tăng cường các hệ thống cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội, giúp các hệ thống bảo trợ xã hội trở nên thích ứng hơn, ứng phó tốt hơn với các cú sốc, đồng thời lồng ghép hiệu quả hơn các chính sách phổ cập bảo trợ xã hội cùng với chính sách phổ cập bảo hiểm y tế.

Những ưu tiên này đặc biệt phù hợp và cũng mang tính cấp bách trong bối cảnh những tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội do đại dịch gây ra. Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên trên không chỉ phù hợp với các khuyến nghị đối với Việt Nam của Nhóm các cơ quan LHQ trong những năm qua, mà còn phù hợp với các ưu tiên được xác định trong các văn kiện và chiến lược quốc gia, đặc biệt là các Nghị quyết của Trung ương số 15-NQ/TW (2012), số 20-NQ/TW (2017), và số 28-NQ/TW (2018).

Đại dịch và tình hình quốc tế đầy biến động hiện nay đòi hỏi các hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng tốt, có thể đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em, cũng như ứng phó với những cú sốc. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác bảo trợ xã hội, đại dịch COVID-19 đã cho thấy mức độ còn thiếu trong đầu tư cho các chính sách hỗ trợ xã hội, các hệ thống thông tin và quản lý lạc hậu, cũng như mức độ bao phủ hạn chế về số lượng người được hưởng lợi cũng như mức hỗ trợ. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng như kết quả Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững về Trẻ em và Phụ nữ (SDGCW) tại Việt Nam năm 2020-2021 do UNICEF tài trợ cho thấy những rắc rối trong việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi từ gói hỗ trợ đã dẫn đến việc nhiều người dễ bị tổn thương không được tiếp cận các hỗ trợ trong thời gian đại dịch. Hơn 50% những người sống trong các hộ gia đình nghèo và cận nghèo đã không nhận được các khoản tiền hỗ trợ xã hội, cũng như các hỗ trợ kinh tế khác trong thời gian diễn ra đại dịch.

Nếu Chính phủ Việt Nam cam kết xóa nghèo đa chiều ở trẻ em và không để ai bị bỏ lại phía sau, thì điều quan trọng là phải duy trì và mở rộng đầu tư cho các hệ thống hỗ trợ xã hội có khả năng ứng phó với các cú sốc, ưu tiên cho trẻ em và vấn đề về giới, đồng thời từng bước áp dụng chính sách phổ cập trợ cấp cho trẻ em. Điều quan trọng là phải gắn kết các đối tượng nhận trợ cấp xã hội với việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, dinh dưỡng và bảo vệ trẻ em). Điều này đòi hỏi phải tích hợp các công cụ bảo trợ xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thể chế và sự phối hợp giữa các ngành, đồng thời tăng cường vai trò của lực lượng ở tuyến đầu, trong đó bao gồm những người làm công tác xã hội. Một điều quan trọng nữa là sự phối hợp của các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ chính phủ cần tiếp tục đảm bảo tính bao trùm và khả năng ứng phó của các hệ thống bảo trợ xã hội trong việc hỗ trợ những người cần được bảo trợ nhất. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang xem xét sửa đổi Nghị quyết 15 về các chính sách xã hội, và đây là cơ hội rất quan trọng để thúc đẩy một cách tiếp cận đầy đủ và đa tầng trong công tác bảo trợ xã hội. 

Các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo này nhằm hỗ trợ việc thiết kế và thực thi các hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia phù hợp và toàn diện. Điều này sẽ đóng góp cho quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, cũng như việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến bảo trợ xã hội vào năm 2030.

Bạn có thể xem toàn bộ báo cáo tại đây