FAO in Viet Nam

FAO hỗ trợ chuyển đổi bền vững các hệ thống lương thực-thực phẩm tại Việt Nam

20/06/2022

Tỉnh Lai Châu, Việt Nam. FAO đã phối hợp cùng với các bên liên quan nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực chuyển đổi bền vững các hệ thống lương thực-thực phẩm tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

FAO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp tổ chức một hội thảo nhằm giới thiệu “Chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đồng thời huy động nguồn lực cho việc xây dựng các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo gồm đại diện FAO Việt Nam, Bộ NN&PTNT, các đối tác quốc tế, các viện nghiên cứu, và đại diện các tỉnh, huyện đã tập trung thảo luận việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại khu vực miền núi phía Bắc, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như Chiến lược quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu: “Để có được các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững đòi hỏi phải xây dựng các chiến lược, trong đó đưa ra những lựa chọn khôn ngoan. Liên quan đến điều này, tôi rất vui mừng ghi nhận sự đồng nhất quan điểm giữa Chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam và tầm nhìn của FAO về các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững.”
Hội thảo đã đúc kết một số điểm quan trọng góp phần xây dựng các chiến lược và phương pháp tiếp cận phù hợp nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong các bối cảnh và quy mô khác nhau, trọng tâm là khu vực miền núi phía Bắc.

Các mục tiêu chính của Chiến lược này bao gồm đảm bảo các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững, đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai đối với các sản phẩm và dịch vụ mà các hệ thống lương thực-thực phẩm này cung cấp, đồng thời đảm bảo lợi nhuận, sức khỏe môi trường cũng như công bằng xã hội và kinh tế. Do nông nghiệp phải phụ thuộc vào các dịch vụ do hệ sinh thái cung cấp, các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững phải giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tối ưu hóa sản xuất bằng cách bảo vệ, bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên, sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO cho biết thêm: “Tại Việt Nam, đã đến lúc tận dụng những kiến thức và kinh nghiệm phong phú có được thông qua các chương trình này để xây dựng một tầm nhìn chung, và một cách tiếp cận tổng hợp hướng đến tính bền vững trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thông qua hợp tác và chia sẻ cùng nhau, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực-thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn và bền vững hơn, nhằm mục tiêu sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.”