FAO in Viet Nam

Cộng hòa Ai-len và FAO cùng xây dựng sinh kế bền vững cho phụ nữ tại miền núi phía Bắc Việt Nam

08/09/2022

Hà Nội, Việt Nam. Với sự hỗ trợ tài chính của Cộng hòa Ai-len, ngày hôm nay FAO đã hoàn tất một sáng kiến quan trọng nhằm tăng cường hỗ trợ sinh kế nông nghiệp cho phụ nữ tại miền núi phía Bắc Việt Nam, với một loạt các hoạt động sẽ được triển khai từ nay đến 31/12/2023.

Dự án “Chương trình thí điểm về sinh kế bền vững cho phụ nữ tại miền núi phía Bắc Việt Nam” được triển khai với sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một số doanh nghiệp, cùng với các nhóm phụ nữ và nông dân. Mục tiêu của Dự án là tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ dân tộc thiểu số đối với sinh kế nông nghiệp bền vững và có khả năng chống chịu trong lĩnh vực về quản lý tài nguyên.

Dự án này là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại buổi làm việc giữa Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Cộng Hòa Ai-len, ông Martin Heydon, người đang có chuyến thăm Việt Nam cùng với phái đoàn thương mại của Ai-len, và Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam Rémi Nono Womdim. Hai bên đã thảo luận về các cơ hội hỗ trợ của Ai-len trong tương lai liên quan đến các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án thí điểm này là các cán bộ khuyến nông cơ sở – ít nhất một nửa trong số đó là phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình họ. Những đối tượng này sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động ở nông thôn, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và các hiện tượng liên quan đến thời tiết.
Kết quả của sự hỗ trợ kết hợp cả ở cấp cao và cấp cơ sở từ dự án sẽ đóng góp lớn cho việc tăng cường năng lực tạo ra giá trị gia tăng và thu nhập liên quan đến các hệ thống lương thực-thực phẩm, trực tiếp tạo động lực và nâng cao năng lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc cấp ngân sách cũng như cung cấp các dịch vụ cải thiện kinh tế-xã hội cho người dân ở đây, từ đó đóng góp lớn cho việc tăng cường kinh tế trong khu vực.

Dự án sẽ đóng góp vào Chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như khung chiến lược của FAO nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 thông qua việc chuyển đổi sang các hệ thống lương thực-thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm hơn, chống chịu tốt hơn và bền vững hơn, nhằm mục tiêu Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.