FAO in Viet Nam

FAO giúp tăng cường năng lực chống lại mối đe dọa sâu bệnh ở các tỉnh phía Bắc

26/07/2022

Tỉnh Sơn La, Việt Nam. FAO hiện đang giúp tăng cường năng lực cho nông dân nhằm ứng phó với mối đe dọa lớn về sâu bệnh và bảo vệ cây trồng tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Thông qua khóa đào tạo giảng viên nguồn (ToT) được FAO cùng với Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức, các đại biểu tham dự đã được trang bị tốt hơn những kiến thức, kỹ năng an toàn và hiệu quả để phòng chống bệnh sâu keo mùa thu (FAW), đặc biệt là trên cây ngô.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ FAO, cụ thể là một Chuyên gia Nông nghiệp Cao cấp của Văn phòng FAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đặt tại Bangkok, hơn 30 cán bộ cấp tỉnh có chuyên môn về trồng trọt và bảo vệ thực vật đã tham gia vào khóa đào tạo, với kiến thức thu nhận được sẽ là thông tin đầu vào cho việc xây dựng 06 Lớp học tạo đồng (FFS) cho nông dân địa phương ở các tỉnh phía Bắc khác ngoài Sơn La.

Khóa đào tạo giảng viên nguồn lần này là một bước tiến khác nhằm xây dựng các giải pháp kỹ thuật để quản lý bền vững dịch bệnh trên cây ngô nói chung, và bệnh sâu keo mùa thu nói riêng, với các thử nghiệm thực địa tại địa phương nhằm chọn ra phương án tối ưu phù hợp với bối cảnh địa phương.

Ông Yubak Dhoj, Chuyên gia Nông nghiệp Cao cấp của Văn phòng FAO Khu vực chia sẻ: “Khóa đào tạo này rất quan trọng vì những người tham gia sẽ đóng vai trò là đầu mối thông tin, cũng như vai trò chuyển tiếp và hiệp lực trong chương trình đang được triển khai, nhằm hỗ trợ nâng cao sản lượng lương thực, quản lý bền vững các loài gây hại xâm lấn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hóa học.”

Các giảng viên nguồn tham gia khóa đào tạo này cũng sẽ trở thành thành viên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới kiểm soát sâu keo mùa thu trong khu vực do FAO thành lập, với trọng tâm chính là nâng cao năng lực cho các cán bộ nông nghiệp và tổ chức nông dân để ứng phó với sự xuất hiện sớm cũng như khả năng thích nghi của dịch bệnh này. Đặc biệt là phải kiểm tra các thói quen canh tác của nông dân để tránh sử dụng sai các loại thuốc trừ sâu hóa học trên đồng ruộng. Để đảm bảo một cách tiếp cận bền vững trong phòng chống dịch bệnh này, mô hình lớp học tại đồng (FFS) được sử dụng nhằm khuyến khích các kỹ thuật canh tác thân thiện với thiên nhiên.

Để có thể hiểu rõ về điều kiện tại địa phương, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, các chuyên gia FAO cùng với các đại biểu đã đến thăm các cánh đồng ngô ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, từ đó có cái nhìn trực tiếp về thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2019. Kể từ khi du nhập từ Châu Phi và Châu Mỹ sang Châu Á, dịch bệnh này đã gây thiệt hại về mặt kinh tế đối với nhiều loại cây ngũ cốc chính – đặc biệt là cây ngô.

Để ứng phó dịch bệnh, FAO đã phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam thông qua một Chương trình Hợp tác Kỹ thuật về một loạt các sáng kiến, bao gồm một công cụ giám sát với tên gọi Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm sâu keo mùa thu (FAMEWS). Cục Bảo vệ thực vật cũng đã thành lập Nhóm công tác quốc gia về kiểm soát sâu keo mùa thu, đồng thời triển khai nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng là quốc gia thí điểm tham gia Hành động toàn cầu về kiểm soát sâu keo mùa thu (2020-2023), đồng thời ngoài chương trình này, Việt Nam cũng đang tham gia hỗ trợ các sáng kiến khu vực, ví dụ như Gói IPM khu vực ứng phó sâu keo mùa thua và Kế hoạch hành động ASEAN về ứng phó sâu keo mùa thu.