FAO in Viet Nam

FAO hỗ trợ Quảng trị và Thừa Thiên Huế đối phó với cơn bão Noru

26/09/2022

Quảng trị, Việt Nam. Dựa trên dự báo về cường độ và nguy cơ mưa lụt của cơn bão số 4 (bão Noru) từ Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như các đài dự báo khu vực và quốc tế, FAO cùng với Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) và Ban Chỉ huy PCTT của 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế quyết định kích hoạt các Hành động sớm trước bão và thực hiện các hoạt động ngay trước khi bão dự kiến vào đất liền.

Cụ thể, trong 2 ngày 26 và 27 tháng 9, Dự án và UBND các xã và Ban chỉ huy PCTT hai tỉnh đang tiến hành các hoạt động cụ thể bao gồm:

- Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế : cung cấp 300 thùng nhựa kín chống nước loại dung tích 220 lít cho các hộ dân vùng trũng có hoàn cảnh khó khăn của 3 xã Quảng Phú, Quảng Thái và Hương Xuân, mỗi xã 100 thùng

- Đối với tỉnh Quảng Trị : cung cấp 300 thùng nhựa kín chống nước loại dung tích 200 lít và 300 suất tiền mặt, mỗi suất 1 triệu đồng cho các hộ dân vùng trũng có hoàn cảnh khó khăn của 3 xã Hải Phong, Triệu Trạch và Triệu Độ. Riêng xã Triệu Độ, đồng thời vận hành trại sơ tán gia súc đã được cấp từ buổi diễn tập Hành động sớm cuối tháng 8.

Các hoạt đông hỗ trợ của FAO nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai Hành động sớm, cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội” là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hợp phần Dự án ở Việt Nam có Tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu Đô la Mỹ từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hoạt động Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự Châu Âu (DG ECHO) thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO). Tại Việt Nam, FAO phối hợp cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) và Ban Chỉ huy PCTT các cấp, các tỉnh nhằm xây dựng Kế hoạch Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép vào hệ thống PCTT của Việt Nam.

Dự án với mục tiêu cụ thể nhằm Bảo vệ sinh kế, an ninh lương thực và đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn bằng việc dự báo trước các tác động của thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất trong triển khai hỗ trợ nhân đạo, tăng cường công tác quản trị và tính chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc kết nối và bổ trợ cho hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia. Qua đây sẽ Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ những thành tựu của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trước thiên tai.
Địa bàn thực hiện Dự án là các tỉnh ven biển miền Trung, bắt đầu từ năm thứ nhất với 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, và dự định sẽ mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên từ năm thứ 2. Thời gian thực hiện dự kiến là 3 năm, từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 7 năm 2024 . Loại hình thiên tai mà Dự án hướng đến là bão và ngập lụt sau bão. Đến nay, sau khi tiến hành các cuộc tham vấn từ cấp vùng đến cấp cộng đồng tại 3 tỉnh và 9 xã được lựa chọn, Dự án đang tiến hành xây dựng Khung Hành động sớm với ba hành động được đề xuất lựa chọn là: (i) Cung cấp thùng nhựa kín để cất trữ lương thực phẩm, hạt giống và các tài sản quan trọng, (ii) Cung cấp tiền mặt đa mục đích giúp bà con mua sắm dự trữ lương thực phẩm và vật dụng thiết yếu trước bão/lụt; và (iii) Hỗ trợ lều trại sơ tán gia súc trước ngập lụt.

Một buổi diễn tập triển khai thực hiện các Hành động sớm được lựa chọn ở cấp xã đã được thực hiện thành công tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 8 năm 2022.

Trong thời gian tới, dự án tiếp tục hoàn thiện Khung Hành động sớm cũng như Quy trình thực hiện các Hành động sớm trước bão và ngập lụt do bão, dựa trên các bài học được rút ra từ các đợt diễn tập cũng như thực hiện Hành động sớm trước bão Noru cho ba tỉnh của dự án, đồng thời mở rộng quy mô thêm hai tỉnh như đề cập ở trên. Mục tiêu cuối cùng của dự án là xây dựng Khung Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép Hành động sớm vào hệ thống PCTT của Việt Nam.