FAO in Viet Nam

Sự chuyển đổi cần thiết

20/04/2023

FAO đồng tổ chức Hội nghị toàn cầu Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới một hành tinh, diễn ra từ ngày 24 đến 27 tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội, Việt Nam.

Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu sẽ có bài phát biểu khai mạc Hội nghị qua video, đồng thời bà Corinna Hawkes, sẽ chủ trì một trong các phiên họp chính, cũng như các sự kiện bên lề trong ba ngày Hội nghị.

Ban Hệ thống lương thực, thực phẩm và An toàn thực phẩm của FAO sẽ đóng vai trò quan trọng trong Hội nghị lần này, với trọng tâm là việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm và sự cần thiết của việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa và có liên hệ với nhau về khí hậu, đa dạng sinh học, xung đột, năng lượng, giá cả, nạn đói, suy dinh dưỡng và sức khỏe nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Hội nghị lần này sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Việt Nam, với sự hỗ trợ của FAO và các đối tác quốc tế khác, cùng với những đóng góp quan trọng của Chương trình hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; Chính phủ Thụy Sĩ; Chính phủ Costa Rica; và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Chương trình chính

FAO sẽ điều hành phiên họp chính với tiêu đề “Rà soát các chính sách và quản lý ở cấp quốc gia và địa phương” diễn ra vào thời gian 16h00 – 17h30 chiều ngày 24/4/2023 (giờ Hà Nội). Phiên họp này sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp, đưa ra đánh giá về chính sách và việc quản lý đối với các hệ thống lương thực, thực phẩm, tập trung vào các thách thức trong quản lý. Các diễn giả cũng sẽ trình bày những nguyên tắc, phương pháp và thực hành tốt nhằm đảm bảo quản trị hiệu quả và bao trùm, có sự hợp tác giữa các bên liên quan, để tạo động lực chính cho việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững.

Bà Corinna Hawkes, Trưởng Ban ESF của FAO sẽ có bài trình bày chính và điều hành phiên thảo luận chuyên đề có sự tham gia của các cơ quan triển khai cấp quốc gia cũng như đại diện từ nhiều bên liên quan khác nhau. Phiên thảo luận này nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc cải thiện quản lý đối với các hệ thống lương thực, thực phẩm, từ đó hỗ trợ việc thực hiện các Kế hoạch quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Phần lớn các hoạt động của FAO trong lĩnh vực hệ thống lương thực, thực phẩm liên quan đến việc rà soát các vấn đề về quản lý, xây dựng chính sách, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đối thoại đa bên, cũng như vai trò của Chương trình nghị sự về lương thực, thực phẩm đô thị trong các chính sách về hệ thống lương thực, thực phẩm.

Theo dự kiến cũng sẽ có ba sự kiện bên lề. Tại mỗi sự kiện, đại diện ESF sẽ chia sẻ những kiến thức chuyên môn của mình, làm đầu vào cho các cuộc thảo luận có ý nghĩa giữa các đại biểu tham dự Hội nghị, truyền đạt các thông tin bổ ích cho tất cả các bên.

Ba sự kiện bên lề gồm:

Một sự kiện bên lề với tiêu đề “Các đô thị và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng gắn kết và bao trùm” sẽ được tổ chức vào hồi 16h00 chiều ngày 25/4/2023 (giờ Hà Nội). Sự kiện này sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp, do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Liên minh toàn cầu nhằm cải thiện dinh dưỡng (GAIN), Rikolto, Liên minh các đô thị và chính quyền địa phương (UCLG), ICLEI – Mạng lưới chính quyền địa phương vì sự bền vững, và Đối tác toàn cầu RUAF đồng tổ chức, với trọng tâm chính là vai trò của các đô thị và chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm.

Tại sự kiện bên lề này, các đại biểu sẽ chia sẻ và thảo luận các điểm chính liên quan đến vai trò quan trọng của việc quản trị hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị, cũng như các cơ chế quản trị theo từng hoàn cảnh cụ thể, đồng thời đưa ra những ví dụ về quản trị hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị theo từng lĩnh vực cụ thể (ví dụ: nông nghiệp đô thị và ven đô, quản lý việc thải bỏ thực phẩm, v.v..).

Một sự kiện bên lề thứ hai dự kiến diễn ra vào hồi 14h00 chiều ngày 25/4/2023 (giờ Hà Nội), do FAO, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UNEP, WWF, Rikolto và Liên minh giữa Tổ chức Đa dạng sinh học quốc tế và CIAT đồng tổ chức, nhằm giới thiệu một tài liệu hướng dẫn mới có tiêu đề “Đánh giá lại về các hệ thống lương thực, thực phẩm: hướng dẫn hợp tác đa bên”.
Tài liệu hướng dẫn này được xây dựng nhằm hỗ trợ các bên liên quan ở tất cả các cấp trong một hệ thống lương thực, thực phẩm khi triển khai các Kế hoạch quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa các bên tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ (UNFSS) diễn ra vào tháng 9/2021.

Các chính sách được thiết kế tách biệt với nhau sẽ khó có thể hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, cũng như các mục tiêu khác sau này. Sự hợp tác giữa các bên liên quan cần trở thành một trụ cột thiết yếu trong cách tiếp cận theo hệ thống lương thực, thực phẩm, đồng thời có vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững, bởi việc hợp tác sẽ góp phần giải quyết thành công những thách thức phức tạp trong quá trình chuyển đổi.

Một sự kiện bên lề thứ ba được dự kiến diễn ra vào hồi 18h00 ngày 26/4/2023 (giờ Hà Nội) (theo hình thức trực tuyến – đăng ký tại đây) do Diễn đàn SFS-MED (đối tác giữa CIHEAM, FAO, PRIMA, UfM) tổ chức, sẽ đưa ra các ví dụ điển hình về các quy trình và kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại các nước trong khu vực Địa Trung Hải. Đây là nội dung đóng góp trực tiếp cho tiến trình triển khai sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ.
Trên cơ sở các mục tiêu của Hội nghị, sự kiện bên lề này sẽ tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong nước trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững tại khu vực Địa Trung Hải, đồng thời huy động nguồn lực nhằm tăng cường các nỗ lực hợp tác của Diễn đàn SFS-MED hướng tới các mục tiêu 2030.

Các sự kiện khác của FAO

FAO cũng sẽ hỗ trợ việc tổ chức nhiều phiên họp khác trong quá trình diễn ra Hội nghị.

Phiên họp 6: Huy động “Hệ sinh thái hỗ trợ” của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ nhằm giúp các bên nắm được về các nỗ lực mà các liên minh UNFSS đang triển khai nhằm thúc đẩy/áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở hệ thống lương thực, thực phẩm. Phiên họp này sẽ là cơ hội để chia sẻ và tăng cường phối hợp giữa các liên minh và sáng kiến đa bên khác nhằm tăng cường cách tiếp cận theo hệ thống lương thực, thực phẩm, hướng đến mục tiêu thúc đẩy hơn nữa việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực thi các SDG. Tại Phiên họp này, bà Nancy Aburto, Phó Trưởng Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của FAO sẽ trình bày về các hoạt động của Liên minh hành động thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ em và mọi người dân dựa trên các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

Trong ngày cuối cùng của Hội nghị, FAO và Trung tâm điều phối các hệ thống lương thực, thực phẩm sẽ đồng tổ chức Phiên họp 8: “Đối thoại giữa các cơ quan triển khai quốc gia”. Phiên họp này sẽ cho phép các cơ quan triển khai ở cấp quốc gia chia sẻ kinh nghiệm từ việc đầu tư cho cải thiện chính sách về lương thực, thực phẩm nhằm đạt được các SDG và không để ai bị bỏ lại phía sau.

FAO cũng sẽ tổ chức một Hội thảo theo hình thức hạn chế với khoảng 40 đại biểu tham dự nhằm thảo luận về các thực hành tốt và chia sẻ kinh nghiệm. Hội thảo này sẽ đưa ra các ví dụ cụ thể của Việt Nam, Uganda và Thụy Sĩ về hiện trạng xây dựng và triển khai các kế hoạch quốc gia, cũng như các bài học rút ra, thách thức và cơ hội.

Ngoài 3 nước nói trên, các cơ quan triển khai cấp quốc gia của các nước khác dự kiến cũng sẽ tham gia trao đổi theo hình thức thảo luận mở, mục đích nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thách thức cũng như cơ hội trong việc triển khai trong thời gian tới.
Hội nghị toàn cầu lần này sẽ có sự tham dự của hơn 215 đại biểu theo hình thức trực tiếp, cùng với hàng trăm đại biểu từ khắp thế giới tham dự trực tuyến nhằm giải quyết các thách thức cấp bách liên quan đến hệ thống lương thực, thực phẩm.
Các hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu đòi hỏi cần có cách tiếp cận một cách hệ thống và bao trùm, cùng với nhận thức ngày càng tăng về các đánh đổi liên quan trong việc hướng đến mục tiêu giảm suy dinh dưỡng và suy thoái môi trường, đồng thời tăng cường sự thịnh vượng bao trùm.

Hội nghị lần này là một phần trong các hoạt động tiếp nối của UNFSS, và là một trong các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị đánh giá tiến độ năm 2023 đối với các thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm của LHQ, dự kiến được tổ chức tại Rome (Ý) trong tháng 7/2023.