FAO in Viet Nam

Ngày thứ hai của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Chương trình Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

26/04/2023


Ngày thứ hai của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Chương trình Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) - Mạng lưới một hành tinh đã kết thúc sau một loạt các sự kiện quan trọng và thú vị tiếp theo. Hai Phiên họp chủ đề chính trong ngày đã tập trung nghiên cứu các mô hình sản xuất và tiêu dùng, cũng như các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng bền vững và bao trùm, đáp ứng được những thách thức chung của chúng ta. Việc chuyển đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng là yếu tố then chốt để đạt được sự thay đổi cần thiết nhằm chống lại các xu hướng tiêu cực hiện nay về mất đa dạng sinh học, phá vỡ các hệ sinh thái hỗ trợ sự sống và biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu quan trọng của mình, bà Rebecca Shaw, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), đã nhấn mạnh những lợi ích kết hợp của việc áp dụng phương pháp tiếp cận theo toàn bộ hệ thống lương thực, thực phẩm khi đánh giá các giải pháp khí hậu, bao gồm tiêu dùng, sản xuất, thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm. Các giải pháp này sẽ phải được định hình tùy theo điều kiện địa phương – không có viên đạn thần kỳ nào hay một giải pháp nào phù hợp cho mọi tình huống.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), nhấn mạnh những thách thức mà mô hình nông nghiệp thâm canh tại Việt Nam đang phải đối mặt trên một số phân khúc của ngành, vốn vẫn còn tương đối manh mún. “Kết quả là, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta cần một cách tiếp cận theo toàn bộ hệ thống lương thực, thực phẩm để các bên liên quan cùng làm việc với nhau.” Trên thực tế, ý kiến này là một thành tố quan trọng để phối hợp một cách thành công trong cách tiếp cận theo toàn bộ hệ thống lương thực, thực phẩm.

Buổi chiều cùng ngày được dành cho một loạt các sự kiện bên lề về các chủ đề liên quan. Bà Corinna Hawkes, Trưởng Ban Hệ thống lương thực, thực phẩm và An toàn thực phẩm (ESF), phụ trách điều hành hai sự kiện bên lề: một sự kiện nhằm giới thiệu về 5 trụ cột làm nền tảng cho sự hợp tác đa bên thành công trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm, và một sự kiện khác về chủ đề các hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị mang tính bao trùm và bền vững, cũng như vai trò của các đô thị và chính quyền địa phương trong hệ thống quản lý ở các cấp khác nhau. Ông Pierre Ferrand, Chuyên gia nông nghiệp tại Văn phòng FAO khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (FAORAP), đã điều hành sự kiện bên lề về “Khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững”, nhằm tìm ra các sáng kiến và giải pháp đổi mới liên quan đến nông nghiệp sinh thái, coi đó là cách tiếp cận chính trong chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm.