FAO in Viet Nam

Việt Nam đóng góp vào hợp tác Nam-Nam và hợp tác tam giác (SSTC) của FAO tại Sierra Leone

Đoàn Đại biểu từ Bộ NN và PTNT Việt Nam tới thăm và làm việc tại Sierra Leone vào tháng 2/2023
09/06/2023

Các chuyên gia của Việt nam đã tới thăm và làm việc tại Sierra Leone, cùng các chuyên gia FAO chuẩn bị lập kế hoạch cho dự án phát triển lúa gạo thuộc chương trình hợp tác Nam Nam và hợp tác tam giác của FAO. 

Dự án ba bên mới sẽ hỗ trợ các bên liên quan ở Sierra Leone tăng năng suất và sản lượng lúa gạo thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận đối với công nghệ cải tiến, đồng thời mở rộng việc phổ biến những kinh nghiệm thực hành tốt trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Dự án được mong đợi trong thời gian 4 năm thực hiện, Việt Nam sẽ cung cấp cho Sierra Leone những kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.

Các chuyên gia và kỹ thuật viên lành nghề chuyên về sản xuất lúa gạo, thủy lợi, nhân giống lúa, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến các khu vực khác nhau ở Sierra Leone, trong đó có các cơ sở nghiên cứu. Ngoài ra, các sáng kiến về xây dựng năng lực như tham quan học tập, tập huấn tại đồng, cũng như đào tạo giảng viên nguồn sẽ được triển khai để tăng cường năng lực cho các bên liên quan tại Sierra Leone.

Thỏa thuận ba bên mới này là một phần trong cam kết mạnh mẽ của FAO nhằm mở rộng các nội dung hợp tác với các nhóm quốc gia khác nhau cũng như huy động hỗ trợ thông qua Chương trình Hợp tác Nam-Nam và Hợp tác tam giác. Các quốc gia ở Nam bán cầu đang ngày càng công nhận Chương trình Hợp tác Nam-Nam và Hợp tác tam giác (SSTC) là một trong những phương thức triển khai hiệu quả nhất, đáp ứng được đúng nhu cầu của mình.

Thúc đẩy và lồng ghép Hợp tác Nam-Nam và Hợp tác tam giác

Kể từ năm 1996, FAO đã nỗ lực phối hợp với chính quyền các cấp trung ương và địa phương tại nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy Chương trình Hợp tác Nam-Nam và Hợp tác tam giác (SSTC) giữa các nước thành viên của FAO, coi đây là một biện pháp giảm nghèo đói, đồng thời thúc đẩy các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững.

Hướng dẫn Hành động SSTC, một công cụ quan trọng để thúc đẩy các đối tác về tài chính và kỹ thuật trong Chương trình Hợp tác Nam-Nam và Hợp tác tam giác (SSTC) nhằm hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm. Đây là một trong nhiều giải pháp mà FAO đang tập trung và lồng ghép trong các chính sách của mình.

Chương trình Hợp tác Nam-Nam của FAO nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi và chuyển giao kiến thức và chuyên môn nông nghiệp giữa các nước đang phát triển. Bằng cách vận dụng những giải pháp đổi mới sáng tạo đã được chứng minh và những kinh nghiệm thực hành tốt đã được chứng minh tại các nước thuộc Nam bán cầu, các quốc gia đang phải vật lộn với những thách thức tương tự có thể được hưởng lợi từ các hoạt động hợp tác này.

Liên quan đến sự phát triển của ngành lúa gạo nói riêng ở các nước Châu Phi, thông qua Chương trình Hợp tác Nam-Nam, FAO đã hỗ trợ cho nhiều nước sản xuất lúa gạo như Nigeria, Senegal, Tanzania và Uganda giải quyết những thách thức đối với chuỗi giá trị lúa gạo tại các nước này.

Thông qua các hoạt động xây dựng năng lực cấp quốc gia, các sự kiện trao đổi kiến thức khu vực, cũng như các chuyến tham quan học tập, FAO đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ những kinh nghiệm thực hành tốt, các bài học rút ra, đồng thời phổ biến các kết quả phân tích về chuỗi giá trị lúa gạo. Để thực hiện việc này, FAO đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức như Trung tâm Lúa gạo Châu Phi (AfricaRice) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), sử dụng chuyên môn của các tổ chức này nhằm mang lại lợi ích cho những người hưởng lợi tại những nước thành viên.