FAO in Viet Nam

Việt Nam tham gia Hội nghị Cấp cao FAO bàn thảo định hướng an ninh lương thực tương lai và cải cách hệ thống thực phẩm toàn khu vực.

31/01/2024

Chính phủ Việt Nam cử phái đoàn cấp cao tham dự Hội nghị quốc tế trọng yếu ở Colombo (Sri Lanka) trong nỗ lực hợp tác đa phương nhằm cải cách hệ thống thực phẩm trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau nhiều năm đương đầu với đại dịch, các tình trạng khẩn cấp về khí hậu, biến động thị trường và kinh tế gây ảnh hưởng tới hàng triệu người sản xuất và người tiêu dùng.
Hội nghị khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (#APRC37) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) lần này do Chính phủ Sri Lanka đăng cai tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện này.
“Sự tham gia của Việt Nam vào hội nghị quan trọng này sẽ giúp định hướng công việc của FAO tại Việt Nam và trên toàn khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, bởi lẽtất cả các quốc gia thành viên của FAO đều có chung mục tiêu là đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030, đặc biệt là các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp bất bình đẳng”, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim cho biết.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện có 46 quốc gia thành viên của FAO. Hàng trăm đại biểu đã đăng ký tham dự hội nghị trực tuyến cấp Chuyên viên Cao cấp (SOM) từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2. Theo kế hoạch, phiên họp trực tiếp cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 2 với sự hiện diện của Tổng Giám đốc FAO, Tiến sĩ Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu).
Không chỉ là một cuộc họp.

Hầu hết các vấn đề được thảo luận đều nằm trong mối quan tâm thiết yếu của Việt Nam. Các cuộc thảo luận bàn tròn cấp bộ trưởng về chủ đề đảm bảo lương thực và dinh dưỡng trong tương lai, trên cơ sở những bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng liên tiếp như đề cập ở trên, đầu tư và cung cấp tài chính cho công tác giảm nghèo và hiện đại hóa, cũng như các bài học kinh nghiệm về tiết kiệm nước và thực phẩm, giảm thất thoát và lãng phí – tất cả đều thu hút sự quan tâm chung trong toàn khu vực.

Việc xây dựng khả năng chống chịu cũng sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng. Phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng còn tập trung vào một số nội dung như thúc đẩy hiện đại hóa và số hóa cho các hộ sản xuất nhỏ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, chuyển đổi tổng thể hệ thống thực phẩm tại các quốc gia ở khu vực rộng lớn này.

Đối với Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên chính bao gồm tiếp cận Một sức khỏe, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, an toàn thực phẩm, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sinh kế công bằng cho tất cả mọi người; quản trị, bình đẳng giới và người khuyết tật.