FAO in Viet Nam

Đề cao cảnh giác với chủng cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1)

05/04/2024

Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2024. Cục Thú Y Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) kêu gọi cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm vi rút Cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 khi phát hiện chủng vi rút tái tổ hợp trên gà và ngan thông qua giám sát chủ động tại Việt Nam.

Vi rút cúm A (H5N1) nhánh 2.3.4.4b đã lan rộng trên toàn thế giới kể từ năm 2021. Các loại virut Cúm gia cầm (CGC) A(H5) - H5N2, H5N4, H5N5, H5N6 và H5N8 đều được phát hiện lẻ tẻ ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, ít nhất 646 ổ dịch HPAI đã được báo cáo tại 5 khu vực địa lý do A(H5N1) (610) gây ra. Ở châu Á, một số nhánh vi rút CGC A(H5N1) bao gồm 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các nhánh khác, có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của vi rút với các đặc điểm mới. Chủng vi rút CGC A (H5N1) mới đã được phát hiện trên khắp Tiểu vùng sông Mê Kông, gây bệnh trên cả người và gia cầm kể từ giữa năm 2022, đặc biệt vi rút này đã gây bệnh cho người ở Campuchia trong các tháng đầu năm 2024. Vi rút này chứa các protein bề mặt từ nhánh 2.3.2.1c đang lưu hành ở khu vực này, nhưng các gen nội khác của vi rút lại bắt nguồn từ một nhánh vi rút xuất hiện thời gian vừa qua là 2.3.4.4b. Việc phát sinh và lây lan vi vút CGC A (H5N1) tái tổ hợp này vào Tiểu vùng sông Mê Kông đã gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe động vật và con người, dựa trên những tác động lịch sử của các đợt bùng phát CGC trong khu vực. Hơn nữa, việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của vi rút trên người mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

Tại Việt Nam, dịch bệnh CGC độc lực cao (HPAI) A(H5N1) đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên vẫn xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm tại một số địa phương. Giám sát chủ động trên toàn quốc cho thấy có sự lưu hành của vi rút CGC độc lực cao A(H5) trong những năm gần đây. Tiêm vắc xin phòng bệnh CGC đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kiểm soát CGC độc lực cao ở Việt Nam. Kết quả phân tích giải trình tự gien chuyên sâu các chủng vi rút CGC A(H5N1) được lấy mẫu từ các chợ buôn bán gia cầm sống và ổ dịch trong giai hai năm 2022 và 2023 cho thấy vi rút CGC A(H5N1) thuộc hai nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b tiếp tục lưu hành tại Việt Nam. Nhánh vi rút 2.3.2.1c chủ yếu lưu hành ở miền Nam Việt Nam, trong khi đó, nhánh vi rút 2.3.4.4b được tìm thấy tại các địa phương khác nhau trên toàn quốc. Trong số đó, đã phát hiện 02 vi rút CGC A(H5N1) tái tổ hợp gen giữa các nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b, các mẫu này thu thập năm 2023 thông qua giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm thuộc phía Nam; tuy nhiên không phát hiện đột biết ở vị trí gen PB2-E627K.

Trong số các bệnh truyền lây giữa động vật và người, CGC là một trong năm bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013. Lũy kế từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm vi rút CGC độc lực cao loại A (H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong. Trường hợp nhiễm vi rút CGC A(H5) trên người gần đây nhất được báo cáo vào tháng 10/2022 tại tỉnh Phú Thọ, và một trường hợp tử vong khác do cúm gia cầm A (H5N1) được báo cáo vào tháng 3/2024 tại tỉnh Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, chia sẻ hành động của Chính phủ Việt Nam: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia cầm".

“FAO đang theo dõi tình hình thông qua mạng lưới chuyên gia khoa học chung của FAO-WOAH (Tổ chức Thú y Thế Giới) về cúm động vật (OFFLU) và phối hợp với các đối tác khác. Với sự hỗ trợ tài chính từ USAID và các đối tác khác, FAO sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với cúm A (H5N1) tại Việt Nam" Tiến sĩ Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết.

DAH và FAO Việt Nam khuyến nghị các hành vi sau:

Đối với người chăn nuôi gia cầm

• Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập;
• Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe đàn gia cầm;
• Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương và
• Không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi.

Đối với những người buôn bán gia cầm và những người bán gia cầm tại chợ

• Chỉ thu mua gia cầm từ nguồn rõ ràng được và bán ở những khu vực được phép
• Không bán gia cầm bên ngoài chợ;
• Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm;
• Sử dụng giày dép riêng do các trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp khi bạn cần vào khu vực chăn nuôi;
• Luôn rửa sạch giày dép của bạn khi bạn rời chợ.

Đối với bác sĩ thú y và những người tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh

• Luôn sử dụng đồ bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm hay nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.

Đối với cộng đồng

• Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật;
• Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng;
• Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm;
• Không ăn “tiết canh” một món ăn của Việt Nam được làm từ tiết của vịt;
• Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết;
• Nếu bạn đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp;
• Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.

Virus cúm A lây nhiễm vào đường hô hấp và đường tiêu hóa của chim khiến chim phát tán virus trong nước bọt, chất nhầy và phân của chúng. Virus cúm A cũng có thể lây nhiễm vào đường hô hấp của động vật có vú và gây nhiễm trùng toàn thân ở các mô cơ quan khác. Bệnh ở những người nhiễm vi rút CGC độc lực cao A(H5N1) dao động từ nhẹ (ví dụ: triệu chứng hô hấp trên) đến bệnh nặng (ví dụ: viêm phổi, suy đa tạng) dẫn đến tử vong.

Nguy cơ sức khỏe cộng đồng nói chung từ các vi-rút cúm được biết gần đây trong mối tương tác giữa người và động vật là không thay đổi và việc truyền vi-rút từ người sang người từ những trường hợp này hiện được coi là không dễ dàng. Mặc dù việc lây nhiễm ở người với các vi-rút từ động vật là không thường xuyên, nhưng không bất ngờ khi xảy ra trong mối tương tác người-động vật khi mà các virus này còn tồn tại ở động vật.

Kể từ tháng 12/2023, 5 trường hợp nhiễm virus cúm A(H5N1) ở người tại Campuchia đã được thông báo cho Tổ chức y tế thế giới (WHO). Các virus cúm A (H5N1) từ bốn trường hợp đầu tiên thuộc nhóm H5 (HA) 2.3.2.1c. Virus thuộc nhóm này đã được phát hiện ở gia cầm từ năm 2014 tại Campuchia trong giám sát theo chiều dọc được thực hiện trong lĩnh vực thú y.

Nguồn tham khảo

Hướng dẫn an toàn sinh học tại chợ gia cầm sống
Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi Vịt-ngan
Thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gà
Cúm gia cầm và các loại cúm truyền lây sang người
Cập nhật thông tin Cúm gia cầm toàn cầu
USCDC Khuyến nghị tạm thời về Cúm gia cầm độc lực cao
WHO- Tóm tắt và đánh giá cúm trong mối tương tác giữa người và động vật

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ts. Pawin Padungtod
Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao
Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam)
Điện thoại: +84.24.32020019 (nhánh 100)