FAO in Viet Nam

FAO-WHO đồng tổ chức phiên họp cập nhật thông tin về Cúm Gia cầm A (H7N9)

04/03/2014

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng tổ chức họp phổ biến với cộng đồng ngoại giao tại Hà Nội về cúm gia cầm A (H7N9) nhằm nâng cao nhận thức về chủng virus vừa mới xuất hiện trên cả gia cầm lẫn người này ở Trung Quốc và nguy cơ tiềm tàng đối với Việt Nam.

Gần đây Việt Nam đã tích cực gia tăng nỗ lực phòng chống và ứng phó với nguy cơ xâm nhập tiềm tàng của H7N9.  Virus này hiện diện ở Trung Quốc trên cả người và gia cầm, và mới đây được phát hiện ra ở tỉnh Quảng Tây có chung đường biên giới với bốn tỉnh của Việt Nam. Điều đáng lo ngại hơn là ở gia cầm chủng virus này có độc lực thấp, vì thế khó phát hiện ra vì sẽ không khiến gia cầm chết hàng loạt.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tích cực tham gia phòng chống virus H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua các đàn gia cầm và đã chuẩn bị sẵn sàng để sớm phát hiên ra nếu virus xuất hiện” Dr. Scott Newman, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO phát biểu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải nâng cao tính bền vững cho các biện pháp phòng chống, và sự cần thiết phải cân nhắc lập kế hoạch dài hạn để phòng chống tác động của H7N9 và các loại virus cúm có thể xuất hiện khác đối với ngành chăn nuôi gia cầm, sinh kế cũng như y tế công.

Dr. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO nói, “Tại thời điểm này hiện chưa có bằng chứng về H7N9 trên cả người lẫn gia cầm tại Việt Nam.  Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan vì hiện nay virus lây lan hơn nhiều so với các năm trước đây do sự gia tăng về đi lại cũng như thương mại quốc tế, đồng thời cũng do những thay đổi trong các hệ sinh thái.”  Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp an toàn mang tính phòng ngừa trong đó có vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp.

FAO nhắc lại rằng việc ăn thịt và sản phẩm gia cầm như trứng vẫn luôn an toàn chừng nào được nấu chín kỹ, không có phần nào vẫn còn hồng hay còn chảy máu, và lòng đỏ trứng đã chín cứng không còn chảy nước.  FAO nhấn mạnh rằng tất cả các virus cúm đều bị vô hiệu hóa ở nhiệt độ nấu nướng thông thường và người dân không được ăn thịt những gia cầm có biểu hiện mắc bệnh rõ ràng, bị chết bất ngờ, hay không rõ nguồn gốc.

Việt Nam đã thử nghiệm rất tốt các hệ thống giám sát gia cầm, năng lực y tế, cũng như các nguồn lực kỹ thuật hiện đang có sẵn để đảm bảo rằng các loại virus cúm gia cầm đều được phát hiện sớm và y tế công sẽ ứng phó mạnh mẽ nếu H7N9 xuất hiện ở Việt Nam.  Có được kết quả này là nhờ ở những bài học kinh nghiệm đất nước rút ra khi ứng phó với các dịch bệnh bùng phát trước đây như SARS, H1N1 và H5N1. WHO và FAO tiếp tục hợp tác và mở rộng các hoạt động phối hợp giữa hai ngành thú y và y tế của Việt Nam nhằm ứng phó với virus H7N9.