FAO in Viet Nam

FAO chia sẻ những thành tựu kiểm soát cúm gia cầm tại Việt Nam trong 8 năm qua và cam kết trong tương lai

15/12/2014

Hội thảo tổng kết dự án OSRO/RAS/604/USA,  chúc mừng những thành công đạt được và tạo cơ sở cho chương trình mới do USAID tài trợ - chương trình Các Nguy cơ Đại dịch Mới nổi 2 (EPT-2) sẽ được Bộ NN và PTNT và FAO phối hợp triển khai.

Hà Nội ngày 15/12/2014 – Để đánh dấu sự kết thúc của dự án "Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) tại Việt Nam" được thực hiện trong 8 năm qua do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát bệnh Động vật qua Biên giới (ECTAD) thuộc tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) Việt Nam phối hợp với Cục Thú Y (DAH) và Cục Chăn Nuôi (DLP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN VÀ PTNN) đồng tổ chức Hội thảo tổng kết dự án. Sự kiện này là dịp để nêu bật những thành tựu cũng như những thách thức trong tám năm triển khai dự án (2006-2014), với tổng số vốn tài trợ đạt gần 17 triệu USD cho Việt Nam.

Dự án tập trung vào việc phòng chống cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và các bệnh từ động vật thông qua việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Bộ NN và PTNT chủ yếu trong các lĩnh vực nâng cao năng lực, phối hợp, giám sát, chẩn đoán phòng xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin, an toàn sinh học theo chuỗi giá trị, cải thiện các thực hành chăn nuôi và truyền thông. Với số ca tử vong ở người do H5N1 HPAI giảm từ 39 ca trong năm 2004 và 2005 – thời điểm trước trước khi triển khai dự án, xuống còn một vài ca trong năm 2012-2013, các tổ chức quốc tế và cộng đồng toàn cầu thừa nhận việc ứng phó của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1 (HPAI H5N1) là một hình mẫu về những thành công phòng chống dịch bệnh này.

Dự án đã ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của Bộ NN và PTNN và khuyến khích việc đưa thêm các yếu tố kỹ thuật vào trong các chính sách và văn bản pháp luật, nhưng quan trọng hơn cả, FAO ECTAD đã hợp tác chặt chẽ với Bộ NN và PTNN để xây dựng một kế hoạch quản lý dịch bệnh cúm sau khi dự án kết thúc. Tiến sĩ Scott Newman, Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp của Chương trình FAO ECTAD Việt Nam phát biểu: “Sau 8 năm triển khai dự án Cúm gia cầm độc lực cao, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể các tác động của vi rút H5N1 đối với con người và gia cầm ở Việt Nam và năng lực của các hệ thống thú y đã được tăng cường rõ rệt nhằm phát hiện và ứng phó với cúm gia cầm và các dịch bệnh khác có thể lây từ động vật sang người”.

Khi dự án chuẩn bị kết thúc, FAO ECTAD Việt Nam sẽ  tiếp tục hợp tác với Bộ NN và PTNN và các đối tác trong hệ thống Một Sức Khỏe để thực hiện một chương trình toàn cầu mới do USAID tài trợ, EPT2 – “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa đối với sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật”. Tại Việt Nam, FAO và Bộ NN và PTNN sẽ tiếp tục những
thành công đạt được trong dự án HPAI trước và tăng cường các nỗ lực nhằm đối phó với các mối đe dọa dịch bệnh có thể lây từ động vật sang người trong mối quan hệ giữa hệ sinh thái-động vật hoang dã-động vật nuôi-con người.

Ông Jong Ha Bae, Đại diện Quốc gia của FAO Việt Nam phát biểu: “Do Việt Nam được xác định có khả năng là một điểm nóng về dịch bệnh lây nhiễm mới nổi, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng năng lực và quyền sở hữu bền vững hơn trong công tác ứng phó và quản lý dịch bệnh thông qua dự án tiếp theo của chúng ta. Trong các chương trình của chúng ta, chúng ta đặt mục tiêu là giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với động vật, con người, sinh kế, an toàn thực phẩm và an ninh lương thực”.

Thông tin liên hệ:

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO)
 Ms. Ki Jung Min (Cán bộ truyền thông)
Tel: 84-4- 3942.4208 (Ext 44)
Email: [email protected]