FAO in Viet Nam

Hội thảo về các biện pháp nhằm giúp chuỗi giá trị gia cầm ở miền bắc Việt Nam an toàn hơn và phát triển hơn

29/12/2014

Hà Nội,  Việt Nam - Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát bệnh Động vật xuyên Biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi (DLP) và Cục Thú y (DAH) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN và PTNN) đồng tổ chức một hội thảo về chuỗi giá trị gia cầm (CGTGC). Hội thảo cung cấp các thông tin về CGTGC của Việt Nam và xác định các bước đi trong tương lai giúp ngành chăn nuôi và kinh doanh gia cầm Việt Nam an toàn hơn và phát triển hơn, bảo vệ sức khỏe cho những người tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị này và người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm.

Tại hội thảo, Tổ chức FAO đã trình bày kết quả nghiên cứu về các chợ gia cầm sống và cơ sở giết mổ gia cầm ở miền Bắc Việt Nam, các nguy cơ dọc theo chuỗi giá trị gia cầm mà từ đó các bệnh từ gia cầm bao gồm nhiều loại vi rút cúm , có khả năng thâm nhập, khuyếch tán và lây lan lớn nhất. Hội thảo trình bày các địa điểm và can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh từ gia cầm sang người bao gồm cả vi rút cúm gia cầm H5N1 và H7N9.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu này cũng nêu bật quan điểm và ý kiến của những đối tượng liên quan như người chăn nuôi, người thu mua, kinh doanh gia cầm hay chủ các cơ sở giết mổ gia cầm, đây cũng là thông tin quan trọng để cải thiện sự an toàn của CGTGC.  Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh về qúa trình chuyển đổi từ hình thức kinh doanh và chế biến gia cầm tại các chợ gia cầm sống sang các cơ sở giết mổ gia cầm từ năm 2005, hình thức này nhằm ngăn ngừa các nguy cơ lây bệnh cho người và cải thiện an toàn thực phẩm. Quá trình này bao gồm việc hoạch định ra lộ trình, khung thời gian và quy định pháp lý bảo đảm thực hiện thành công.

“Quá trình chuyển đổi từ chợ gia cầm sống sang các cơ sở giết mổ ở Thành phố Hồ Chí Minh được dự đoán là mô hình mẫu để áp dụng đối với các chuỗi giá trị gia cầm quy mô lớn khác gắn liền với các thành phố lớn ở Việt Nam. Những thay đổi này sẽ giúp người tiêu dùng có những sản phẩm gia cầm an toàn hơn, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người đối với người tiêu dùng cũng như những ai tham gia làm việc trực tiếp trong chuỗi giá trị”, Ts. Scott Newman, Điều phối viên Kỹ thuật Cao cấp, chương trình ECTAD, FAO Viet Nam cho biết.

Theo một đánh giá rủi ro của FAO, các chuỗi giá trị gia cầm ở miền Bắc Việt Nam hiện nay ẩn chứa nguy cơ lây lan vi rút gia cầm cao do sự phức tạp và tần suất buôn bán giao thương giữa các chợ và những người kinh doanh gia cầm. Chính vì vậy, việc đơn giản hóa các chuỗi giá trị, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các quy định và thực hành vệ sinh tại các chợ và cơ sở giết mổ, đồng thời tăng số lượng gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ thay vì ở các chợ gia cầm sống dọc theo chuỗi giá trị truyền thống “từ trang trại đến đầu đũa” là yếu tố quan trọng để Việt Nam an toàn hơn với vi rút cúm H5N1, H7N9  và các dịch bệnh khác.

Trong năm 2015, giai đoạn 2 của dự án Các Nguy cơ Đại dịch Mới nổi 2 (EPT-2) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, FAO ECTAD Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ NN và Phát Triển Nông Thôn và các đối tác khác vận động thực hiện các chính sách để chuỗi giá trị gia cầm trở an toàn hơn, thực hiện các diễn đàn đối thoại chính sách, chuẩn bị tốt hơn các chiến lược giảm thiểu rủi ro nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm tại Việt Nam.

* Chuỗi giá trị gia cầm là gì?
Chuỗi giá trị gia cầm là một loạt các hoạt động cần thiết để đưa sản phẩm (gà, trứng...) từ người sản xuất  tới người tiêu dùng.