FAO in Viet Nam

Quá trình hướng tới dẫn đầu về cách tiếp cận Một Sức khoẻ

03/02/2015

Tại lễ khai mạc Hội nghị Một sức khoẻ lần thứ 3 tại Hà Nội, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công nhận “Một sức khoẻ” là thành tựu mới nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này. Tuy nhiên LHQ cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước để trở thành nước dẫn đầu về “Một sức khoẻ” trong khu vực. Trước những hiểm hoạ từ các căn bệnh mới và mới nổi lên, LHQ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất “Một sức khoẻ”.

Tại hội nghị, các ý kiến được đưa ra thảo luận nhằm phát triển mối quan hệ đối tác “Một sức khoẻ” để mở rộng thêm nhiệm vụ và phạm vi của Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (PAHI). Mối quan hệ đối tác này sẽ giúp cho các lĩnh vực, ban ngành khác nhau cùng phối hợp xác định những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến các bệnh truyền nhiễm từ động vật; cũng như nhằm điều chỉnh và phối hợp tốt hơn trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị "Cách tiếp cận Một sức khoẻ sẽ cung cấp một khuôn khổ đảm bảo sức khỏe của động vật, con người và hệ sinh thái. Cho đến nay Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng Việt Nam vẫn cần xây dựng một cơ chế phối hợp tiếp cận mang tính chiến lược phù hợp với kế hoạch và lộ trình hành động của Một sức khoẻ".

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng kết quả bền vững của “Một sức khoẻ” đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người và động vật mà nó phải bao gồm cả các đối tác khác trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, sức khoẻ hệ sinh thái, và các bộ ban ngành liên quan đến quy hoạch phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại đa ngành ngày hôm nay sẽ góp phần mở rộng hơn những mối quan hệ đối tác hiện có".

Trong vài tháng qua, thế giới tập trung sự chú ý đến các tác động của những bệnh truyền nhiễm mới và mới nổi lên. Áp lực ngày càng lớn đối với môi trường vốn đang bị xâm hại đã đưa con người, gia súc và động vật hoang dã lại gần nhau hơn. Những căn bệnh lây lan từ động vật sang người như ebola và cúm gia cầm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhanh chóng và sâu rộng đến sức khoẻ con người, sinh kế, an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Việt Nam nằm trong khu vực có nguy cơ tương đối cao về các bệnh lây nhiễm mới, mới nổi và các bệnh truyền nhiễm tái diễn của người, vật nuôi và động vật hoang dã, ví dụ như dịch SARS.

Với kinh nghiệm của mình trong việc ứng phó với dịch SARS và cúm gia cầm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng cách tiếp cận đa ngành vào năm 2003, sau này đã trở thành phương pháp tiếp cận Một sức khoẻ vào năm 2010 – được thông qua trong Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về cúm động vật và đại dịch. Thông qua sáng kiến Một sức khoẻ, LHQ tại Việt Nam sẽ thúc đẩy các cơ chế điều phối quốc gia giữa các lĩnh vực sức khỏe con người và sức khỏe động vật. Thông qua đó góp phần tăng cường năng lực và kỹ năng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển tiêu chuẩn quy trình hoạt động (SOPs) cho việc thu thập và chia sẻ thông tin; tiến hành giám sát; và điều tra ổ dịch chung giữa các chuyên gia về động vật và các chuyên gia chăm sóc bảo vệ sức khỏe con người. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), FAO và WHO đang hỗ trợ các cuộc đối thoại chính sách, phối hợp nhiều bên liên quan và tham vấn giữa các đối tác trong nước và quốc tế. Những nỗ lực của Liên Hợp Quốc đã và đang giúp Việt Nam nâng cao năng lực chuẩn bị và phản ứng tốt hơn đối với các bệnh truyền nhiễm từ động vật như cúm gà H5N1 và H7N9.
 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Emmanuel Eraly
Cán bộ truyền thông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Tel: (+84) 1214661530; Emai: [email protected]

Nguyễn Thúy Hằng
Cán bộ truyền thông, Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát Dịch bệnh Xuyên biên giới (ECTAD)
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO)
Tel: (+84-4) 3942 4208 ext 13; Email: [email protected]

Phan Hương Giang
Cán bộ truyền thông, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
Tel: (+84-4) 38224383 ext 119; Emai : [email protected]