FAO in Viet Nam

Công bố Báo cáo “Tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới (SOFI 2015)” và “Tổng quan tình hình mất an ninh lương thực khu vực Châu Á-Thái Bình Dương"

28/05/2015

Báo cáo năm 2015 về Tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới (SOFI 2015), do FAO, IFAD và WFP đồng xuất bản, được phát hành ngày hôm qua, 27 tháng 5 năm 2015, tại Trụ sở FAO ở Rome. Trọng tâm của báo cáo năm nay là đạt được mục tiêu xóa đói trên toàn thế giới năm  2015: điểm lại những bước tiến không đồng đều. Báo cáo SOFI năm nay ước tính số lượng và tỷ lệ người đói nghèo trên toàn thế giới tính đến năm 2015, là năm mục tiêu của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến nạn đói trên toàn cầu, thảo luận về các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng, và theo dõi bước tiến hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo.  Báo cáo cũng phân tích những nhân tố giúp thực hiện thành công các chương trình chống đói, tầm quan trọng ngày càng tăng của các chương trình bảo trợ xã hội cùng những thách thức mới xuất hiện do bản chất ngày càng kéo dài của các cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực.  

Báo cáo thứ hai về Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một báo cáo  có chiều sâu, cũng được phát hành ngày hôm nay. Báo cáo “Tổng quan tình hình mất an ninh lương thực khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – Hướng tới một Châu Á-Thái Bình Dương an ninh lương thực” điểm lại những bước tiến đã đạt được kế từ năm 1990 tại Việt Nam cũng như ở tất cả các nước khác, đặc biệt tập trung vào Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực đã đạt được mục tiêu xóa đói trong các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ( (Mục tiêu MDG-1c) là giảm tỷ lệ người thiếu dinh dưỡng xuống còn một nửa vào năm 2015. Đây cũng là khu vực đạt được mức giảm lớn nhất trong tổng số người suy dinh dưỡng. Điều quan trọng là báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã giảm mạnh được đói nghèo trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang định hướng thị trường.

“Về việc này Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Ước tính tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc sẽ giảm từ 45,6% trong giai đoạn 1990-1992 xuống còn 11% trong giai đoạn 2014-2016, và số người suy dinh dưỡng giảm từ 32,1 triệu trong giai đoạn 1990-1992 xuống còn 10,3 triệu trong giai đoạn 2014-2016.  Điều này rõ ràng cho thấy đất nước đã đạt được cả mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh về lương thực (WFS) lẫn mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ thứ 1”, theo JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Hiện nay thách thức lớn đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là 12% dân số suy dinh dưỡng của khu vực vẫn còn bị đói, bị tụt hậu, và không được chia sẻ những lợi ích do tăng trưởng kinh tế đem lại. Vì thế, thách thức mà khu vực phải đương đầu không chỉ là phải sản xuất ra được nhiều lương thực hơn trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, mà còn phải đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực công bằng hơn cho mọi người dân, trong khi phải giải quyết nhiều nguy cơ khác nhau như biến đổi khí hậu. Một việc có tầm quan trọng then chốt là đẩy mạnh hành động thông qua Sáng kiến không còn nạn đói (ZHC) và các sáng kiến liên quan đến an ninh lương thực và dinh dưỡng khác, tập trung hỗ trợ cho những nông hộ nghèo nguồn lực và các nhóm dễ bị thương tổn và thiệt thòi nhất trong xã hội.

Báo cáo hoàn chỉnh có trên website của FAO tại địa chỉ truy cập http://www.fao.org/3/a-i4624e.pdf