FAO in Viet Nam

Hệ thống di sản nông nhiệp toàn cầu ở Công viên địa chất đồng văn

28/07/2015

FAO đang tiến hành các hoạt động nhằm giúp Công viên Địa chất được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam là Hệ thống Di sản Nông nghiệp có Tầm quan trọng Toàn cầu (GIAHS).

Cao nguyên đá Đồng Văn với cảnh quan ngoạn mục của tỉnh Hà Giang là địa điểm thứ hai trong Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được công nhận như vậy và Chính phủ Việt Nam có kế hoạch bảo tồn và phát triển cao nguyên đá độc đáo, nơi hội tụ rất nhiều di sản quý báu về địa lý, địa chất, cũng như đa dạng sinh học.

Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu FAO hỗ trợ kỹ thuật xây dựng một đề xuất dự án giúp công nhận cảnh quan và tập quán sản xuất nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn là địa điểm GIAHS.  Mục tiêu của dự án là xác định và bảo vệ các hệ thống canh tác truyền thống ở công viên địa chất Đồng Văn cùng cảnh quan, đa dạng sinh học nông nghiệp và các hệ tri thức song hành thông qua việc thúc đẩy và xây dựng một chương trình dài hạn hỗ trợ cho những hệ thống như vậy, đồng thời gia tăng lợi ích toàn cầu, quốc gia và địa phương xuất phát từ việc thực hiện bảo tồn năng động (gọi tắt là bảo tồn động), quản lý bền vững và tăng cường khả năng sinh tồn.

Một động thái quan trọng hướng tới việc giành được sự công nhận là việc tổ chức Hội thảo đa ngành lần thứ nhất nhằm xúc tiến việc công nhận di sản nông nghiệp Cao nguyên Đá Đồng Văn trong hai ngày 25–26/6/ 2015. Mục tiêu của hội thảo do FAO hỗ trợ là xây dựng nhận thức về GIAHS và thảo luận về các hệ thống sản xuất nông nghiệp độc đáo và các hoạt động kinh tế văn hóa của địa phương.

Việc xác nhận GIAHS sẽ giúp tăng cường nhận thức về địa điểm và tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương, ví dụ như du lịch sinh thái. Có thể dán nhãn sản phẩm GIAHS cho các sản phẩm được làm ra từ địa điểm GIAHS, từ đó có thể ra giá cao hơn như kinh nghiệm ở Trung Quốc và các nước khác.

Chuyên gia tư vấn về GIAHS của Văn phòng đại diện FAO tại Khu vực  Châu Á-Thái Bình Dương, Ông Ed Queblatin, nêu rõ cách “bảo tồn động” các địa điểm GIAHS và các bước  cụ thể cần tiến hành để có thể ngay lập tức công nhận địa điểm này của Việt Nam. Ông cũng nói về tầm quan trọng của GIAHS trong việc giúp cải tiến giống cây trồng và nêu bật những tập quán trồng cây xen canh khéo léo giúp đất không bị suy thoái ngay khi trồng liên tục với thời gian bỏ hoang hóa ngắn.

Việc được công nhận GIAHS là rất quan trọng đối với mười bảy tộc người thiểu số sinh sống trên cao nguyên đá, là những người đã tranh đấu bền bỉ để có thể thích ứng với một môi trường vật chất khắc nghiệt vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Cảnh quan đầy núi đá khiến chỉ ở trên đình núi mới có lớp đất màu mỏng và nước mưa thoát rất nhanh khiến việc canh tác trở nên khó khăn. Chính quyền Tỉnh đã có kế hoạch mở rộng hỗ trợ kỹ thuật sang các cộng đồng canh tác vùng cao trong khi duy trì năng suất nông nghiệp bền vững.

GIAHS ra đời năm 2002 nhờ ở sự hợp tác mang tính toàn cầu của  các tổ chức LHQ, với hỗ trợ của FAO. Mục đích là tăng cường hiểu biết và nhận thức của người dân trên toàn cầu, cũng như xúc tiến công nhận các Hệ thống Di sản Nông nghiệp trên quy mô quốc gia và toàn cầu.