FAO in Viet Nam

FAO hỗ trợ nuôi tôm bền vững

19/08/2015

Sóc Trăng, Việt Nam. Trong khi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thủy sản đã đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư nông thôn và giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất thủy sản lớn thứ tư trên thế giới, thì khả năng tăng trưởng bền vững của ngành nuôi tôm lại đang suy giảm do dịch bệnh.    

Để khắc phục nguy cơ này, FAO đang triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian một năm tại hai tỉnh nuôi tôm quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Mê Kông là Bạc Liêu và Sóc Trăng, những tỉnh đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tôm, gây tổn thất về tiền lên đến 15-20% cho nông dân và tác động xấu đến 40% tổng diện tích nuôi tôm. Những tổn thất này trở thành mối quan ngại đặc biệt do tôm chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Dự án được khai trương ngày 19/8/2015 tại Thành phố Sóc Trăng bằng một hội thảo khởi động nhằm xác định nguyên nhân gây thiệt hại cho nuôi tôm thâm canh và cách thức giúp tăng khả năng phục hồi cho nông dân cũng như thí điểm mô hình nuôi tôm bền vững nhờ thực hành nuôi hữu cơ, tập trung vào phục hồi các vùng rừng ngập mặn đã bị tàn phá tại hai tỉnh trên.  

Ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo: “Hội thảo khởi động này có ý nghĩa rất quan trọng, vì sẽ giúp nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết phải thực hành các phương pháp nuôi tôm bền vững. Hội thảo cũng là cơ hội tốt cho các nhóm lợi ích liên quan của dự án chia sẻ quan điểm về cách giải quyết các quan ngại về môi trường và sức khỏe đối với nông dân nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trong khu vực.”.

FAO sẽ làm việc với các vụ Nông nghiệp và Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định và trình diễn các phương pháp thực hành nuôi tôm cải tiến trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sinh kế cho nông dân, môi trường, cũng như sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Ông Jong-Ha Bae nói: “Tôm là một trong những mặt hàng nông sản quan trọng nhất của Việt Nam, và chúng ta kỳ vọng rằng sản lượng ngành nuôi tôm sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, dịch bệnh nghiêm trọng đã trở thành mối đe dọa lớn cho sự tăng trưởng bền vững của ngành tôm trong cả nước.”.

Dự án là một phần trong sáng kiến của FAO khu vực châu Á Thái Bình Dương về nuôi trồng thủy sản thâm canh bền vững định hướng “tăng trưởng bền vững cho các ngành liên quan đến biển và đại dương”.  Việt Nam với sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng gấp 16 lần trong hai thập kỷ qua, là một trong sáu nước trọng tâm của sáng kiến, cùng với Bangladesh, Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Đông Timor.

Mục đích của sáng kiến khu vực này là đạt được sự tăng trưởng bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản bằng cách giải quyết những vấn đề ưu tiên nảy sinh trong quá trình thâm canh nuôi trồng thủy sản, là xu hướng hiện vẫn đang phổ biến trong phát triển nuôi trồng thủy sản trong ít nhất hai thập kỷ qua và đã đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản tại đây.