FAO in Viet Nam

Xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia Không còn Nạn đói ở Việt Nam

08/09/2015

Hà Nội, Việt nam. Ngày hôm nay, việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia Không còn Nạn đói ở Việt Nam đã có thêm bước tiến mới.

FAO Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức hội thảo tham vấn tại Hà Nội nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho bản dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia Không còn Nạn đói vào năm 2025.

Sáng kiến Không còn Nạn đói (KCNĐ) được Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Phát triển Bền vững Rio+20 tổ chức tại Brazil vào tháng 6 năm 2012. Sáng kiến kêu gọi tất cả các quốc gia cùng tham gia vào nỗ lực chấm dứt nạn đói và thực hiện phát triển bền vững. Tháng 12 năm 2013, Nhóm Công tác Chuyên đề Khu vực về Đói Nghèo của Liên hợp quốc xây dựng xong Khung Hướng dấn Không còn Nạn đói cho Khu vực Châu Á-Thái Bình dương sau khi tham vấn nhiều nhóm lợi ích liên quan.

Chính phủ Việt Nam luôn cam kết tham gia vào các nỗ lực toàn cầu  và sau lễ phát động sáng kiến này tại Việt Nam vào ngày 14/1/2015, đã giao cho Bộ NNPTNT đóng vai trò chủ đạo trong việc hợp tác cùng các đối tác phát triển xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia Không còn nạn đói, với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO và các cơ quan LHQ khác.

Dự thảo ma trận kết quả đã được phác thảo là nội dung cốt lõi của kế hoạch hành động, và tài liệu này chính là nội dung chủ yếu của buổi thảo luận ngày hôm nay giữa FAO, các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển về tính phù hợp của Kế hoạch hành động.

“Những ý kiến đóng góp cho dự thảo ma trận kết quả thu được trong hội tháo tham vấn hôm nay sẽ góp phần xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam vào năm 2025”, nhận định của Ông Nguyễn Hoàng Linh, Cán bộ chương trình của FAO.

Các cuộc thảo luận nhóm tại hội thảo đều tập trung vào các nội dung chủ đạo của chuyên đề, việc xây dựng các yếu tố chỉ thị chính cho từng nội dung chủ đạo, các kết quả đầu ra và các hoạt động sẽ tiến hành, các cơ quan/nhóm lợi ích liên quan chịu trách nhiệm về các kết quả đầu ra/hoạt động đó, và việc liên kết chúng với các chiến lược/chính sách hiện hành.