FAO in Viet Nam

Gặp gỡ Ông Thước, cán bộ lâu năm nhất của FAO Việt Nam

11/10/2015

CH. Xin chào Ông Thước, ông có thể giới thiệu đôi điều về bản thân không?
TL. Tôi là trợ lý hành chính của FAO Việt Nam và tôi đã làm việc cho FAO kể từ ngày văn phòng đại diện mở cửa ở Việt Nam.

CH. Ông đã làm việc cho FAO Việt Nam được bao nhiêu năm?
TL. 36 năm. Năm 1979, tôi bắt đầu vào làm việc cho FAO Việt Nam, làm lái xe. Trước đó, tôi tham gia quân đội năm 1972 rồi chuyển sang làm việc cho Tổng công đoàn trước khi về làm cho FAO Việt Nam.

CH. 36 năm, đó thật sự là khoảng thời gian rất dài. Ông có thể mô tả tình hình Việt Nam lúc đó không, 3 năm sau chiến tranh tình hình là như thế nào?
TL. Ngay sau chiến tranh Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó có một vài cơ quan LHQ có mặt tại Việt Nam, và vì cơ sở hạ tầng yếu kém, hầu hết các cơ quan này đều đóng tại các khách sạn lớn. Thời đó chỉ có 4 khách sạn lớn ở Hà Nội, và FAO và UNDP đóng tại khách sạn mà bây giờ người ta gọi là khách sạn Metropole, một khách sạn mang tính lịch sử. Lúc đó cả văn phòng FAO có 6 người. 3 nhân viên quốc tế: 1 Trưởng đại diện FAO, 1 Cán bộ Chương trình, và 1 Cán bộ Hành chính, và 3 nhân viên quốc gia trong đó có tôi.

CH. Trước khi FAO vào Việt Nam, những vấn đề liên quan đến lương thực của đất nước được giải quyết như thế nào?
TL. Trước khi Liên hợp quốc bắt đầu thực hiện các dự án tại Việt Nam, chúng tôi thường được Liên Xô viện trợ lương thực. Liên Xô và Đông Đức giúp phân phối và vận chuyển lương thực đến các vùng miền hẻo lánh. Ngay sau chiến tranh Liên hợp quốc đã tới Việt Nam và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã làm được một việc rất tuyệt vời là giải quyết được vấn đề thiếu hụt lương thực trước mắt, họ phân phối bánh mì và sữa cho khắp cả nước.

CH. Ông có nhớ dự án lớn nào mà FAO đã thực hiện tại Việt Nam không?
TL. Có một dự án 8 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và cung cấp thiết bị nông nghiệp cho Việt Nam. Hiện nay 8 triệu USD vẫn là một số tiền lớn, nhưng nghĩ lại 30 năm trước đây, thì đó thật sự là một dự án rất lớn.

CH. Đối với ông, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất ở FAO Việt Nam?
TL. Bất cứ khi nào chúng tôi xuống địa phương, tất cả mọi người đều nhận ra FAO và chào đón chúng tôi. Người ta biết đến chúng tôi nhiều hơn các tổ chức viện trợ khác, và trên thực tế họ luôn vẫy chào chúng tôi khi chúng tôi đi ngang qua họ trong chiếc Toyota mang logo của FAO. Các dự án của FAO đều lớn, và thật sự đến được với cộng đồng. Có một sự kiện khác mà tôi nhớ là vào khoảng năm 1984, có trận lụt rất lớn ở Hà Nội và tất cả các nhân viên quốc tế đều phải tránh lụt ở lại trong khu ngoại giao đoàn. Xe hơi chìm trong nước, nước dâng cao đến tận ngực tôi. Lúc đó, tôi phải tìm cách vượt qua các điểm lụt sâu và đem thực phẩm, nước, cả dầu hỏa nữa đến cho họ. Tôi phải làm việc đó trong cả tuần trời.

CH. Ôngđã dành phần lớn những năm tháng trưởng thành của mình với FAO, ông cảm thấy như thế nào?
TL. Tôi rất vui vì đã dành gần cả cuộc đời cho FAO và mong tiếp tục làm việc cho FAO. Đến nay tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người tuyệt vời, những người đã làm việc rất chăm chỉ, rất tận tâm với công việc, và luôn có ý thức trách nhiệm tạo ra những chuyển biến tích cực.

CH. Cuối cùng, ông có thể mô tả FAO chỉ bằng một từ không?
TL. Xuất sắc! Đồng nghiệp tốt nhất, tinh thần làm việc nhóm tuyệt vời, và văn hóa tổ chức đáng trân trọng!