FAO in Viet Nam

Bước tiến mới trong cải thiện sinh kế cho nông thôn Việt Nam

12/01/2016

Từ năm 2010, FAO luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới của Việt Nam, được phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) và bốn cơ quan khác của Liên Hợp Quốc (LHQ) là UNESCO, UNIDO, IOM, và UNV. Dự án “Hỗ trợ của LHQ cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới” được đồng thực hiện bởi năm cơ quan LHQ nêu trên, nhằm cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho người dân nông thôn một cách toàn diện, công bằng và bền vững, thông qua tăng cường kiến thức cho người dân nông thôn, xây dựng chính sách và thể chế, xây dựng năng lực, thiết lập cơ chế theo dõi và đánh giá.  

Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới  đã thực hiện được 6 năm kể từ ngày khai trương và hôm nay FAO Việt Nam cùng các cơ quan LHQ khác và Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo tại Tỉnh Hòa Bình nhằm chia sẻ các câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm, bàn thảo các giải pháp tiếp tục thực thi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới trong 5 năm tiếp theo có sự tham gia của các cơ quan đổi tác chính phủ, các viện nghiên cứu và các bên liên quan khác.

Trong 5 năm đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới, cơ sở hạ tầng và mức sống ở nông thôn Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 24,4 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010, là năm bắt đầu triển khai dự án. Đồng thời, 1.526 xã và 15 huyện đã đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về cơ sở hạ tầng. Gần đây, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một chuẩn mực tích cưc ở khu vực nông thôn, và nguồn lực do người dân địa phương đóng góp đạt hơn 12% trong tổng nguồn lực dành cho xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua.

Tuy có những thành công lớn như vậy, FAO vẫn đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc xây dựng lại chính sách, cơ chế, hành động, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhóm dân bị thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa và miền núi, đẩy mạnh sự tham gia của người dân nông thôn bằng cách đề cao tinh thần cộng đồng ngay từ cấp cơ sở và tăng cường đầu tư xây dựng năng lực cho cán bộ và cộng tác viên ở nông thôn, nhất là những người hoạt động ở cấp làng xã.

Ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng: “Sau nửa thập kỷ hợp tác với chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới, FAO rất vui mừng được tiếp tục hỗ trợ Bộ NNPTNT trong 5 năm tới để thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới. Chúng tôi đặc biệt tin tưởng rằng các hoạt động tăng cường an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và xóa đói giảm nghèo của FAO sẽ đóng góp về mặt kỹ thuật cho thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam”.

Trong thời gian tới, các mục tiêu chiến lược của FAO, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững hỗ trợ ở cấp quốc gia, khu vực, và toàn cầu, sẽ giúp xóa bỏ nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, giúp các ngành nông, lâm, thủy sản phát triển bền vững và đạt năng suất cao hơn, giảm nghèo ở nông thôn, và tạo điều kiện cho các hệ thống nông nghiệp và lương thực phát triển toàn diện và hiệu quả.