FAO in Viet Nam

FAO thúc đẩy thay đổi quản lý chỉ dẫn địa lý trong nông nghiệp

04/02/2016

Một dự án phát triển nông thôn quan trọng với hỗ trợ kỹ thuật của FAO và tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) (GCP/RAS/281/FRA) sẽ giúp xây dựng một hệ thống điểu hành để kiểm soát ba chỉ dẫn địa lý của hai sản phẩm chủ chốt tại Việt Nam.

Đặc sản quế Văn Yên và chè ShanTuyết Mộc Châu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng cho đến nay, những yếu kếm của các hệ thống kiểm soát nội bộ và bên ngoài trong quá trình sản xuất vẫn khiến hai sản phẩm này rất khó đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn yêu cầu trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vì thế khó thu được lợi ích khi được quảng bá.

Để giải quyết bất cập này, dự án FAO-AFD tại Yên Bái, Sơn La và các tỉnh khác sẽ hỗ trợ nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các hệ thống kiểm soát nội bộ và bên ngoài để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho chỉ dẫn địa lý. Việc này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu và sắp tới đây rất có khả năng là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP), từ đó nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập bền vững cho nông dân."Chỉ dẫn Địa lý là công cụ quan trọng giúp các nhà sản xuất địa phương chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, đồng thời giúp gia tăng cơ hội sinh tồn trong thị trường hiện có cũng như khả năng tiếp cận thị trưởng mới." phát biểu của Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Trò chuyện với một số doanh nghiệp địa phương, nông dân ở đây hy vọng rằng hỗ trợ của dự án sẽ giúp cải thiện chất lượng thông qua các quy trình kiểm soát nội bộ và bên ngoài cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý tại thị trường địa phương, khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hợp tác xã Quế Sơn – một trong 5 cơ sở sản xuất-kinh doanh ở Văn Yên kỳ vọng “khi chỉ dẫn địa lý của quế Văn Yên được đăng ký và bảo hộ trong và ngoài nước, đặc biệt là tại Châu Âu, thì những người trồng quế Văn Yên  sẽ không còn phải băn khăn lo lắng gì về thị trường và chắc chắn sẽ khẳng định được thương hiệu của mình. Từ đó thu nhập của nông dân sẽ tăng lên.”

“Cần ưu tiên cho việc thay đổi tư duy về xây dựng thương hiệu, quản lý và phát triển sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý, để xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng và đảm bảo lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất”, theo Ông Stephane Passeri, Cán bộ Điều phối dự án FAO-AFD.

Để chỉ dẫn địa lý có thể giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, việc xây dựng được những hệ thống kiểm soát bền vững, đáng tin cậy, có ý nghĩa rất quan trọng. Sản phẩm phải được kiểm tra chất lượng, từ đó người mua mới có thể tin tưởng ở hệ thống chứng nhận đạt chuẩn quốc tế.