FAO in Viet Nam

Nâng cao sự tham gia của các dân tộc thiểu số trong nỗ lực phòng chống và thanh toán bệnh dại

26/02/2016

Các nhóm dân tộc thiểu số (EMG) tại Việt Nam được coi là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đối với bệnh dại, chiếm khoảng 41% tổng số ca tử vong ở người trong năm năm qua (theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), kể từ năm 2011. Hầu hết trong số này sống ở vùng sâu vùng xa và bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ và nguồn lực như giáo dục/thông tin, vắc-xin và dịch vụ y tế. Nhận thức thấp của nhóm dân tộc này về bệnh dại ở chó và người đã dẫn tới việc hiểu và áp dụng sai biện pháp phòng bệnh đối với căn bệnh chết người nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được này. Các đoàn công tác liên cơ của FAO-DAH gần đây tiếp tục phát hiện ra rằng nhóm đối tượng này chưa hề được tiếp cận với các hoạt động giáo dục hay truyền thông. Không ai trong số họ nhận thức được đầy đủ về sự an toàn của vắc-xin hiện hành dành cho người, sự quan trọng của việc tiêm phòng hàng năm cho chó và rửa các vết thương đúng cách bất chấp một thực tế rằng tất cả những người này đều nuôi chó trong nhiều thế hệ và họ sống ở vùng có nguy cơ bệnh dại cao.

Trong nỗ lực tiếp cận nhóm những người chưa được tiếp cận, Trung tâm Kiểm soát Khẩn cấp các Bệnh có Nguồn gốc từ Động vật Xuyên Biên giới (FAO-ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO ) Việt Nam, phối hợp với Cục Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát  triển Nông thôn (MARD), Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y Tế (MOH), đã thực hiện một chiến dịch truyền thông và hỗ trợ dành cho các trưởng bản các dân tộc thiểu số ở các huyện có nguy cơ cao tại hai tỉnh Thái Nguyên và Phú Thọ.
 
“Chúng tôi hiểu rằng các trưởng bản có sự ảnh hưởng lớn và rất được dân bản kính trọng. Với việc thu hút sự tham gia của các trưởng bản vào nỗ lực kiểm soát bệnh dại của chúng ta, trang bị cho họ các kiến thức cập nhật về vắc-xin và giúp họ hiểu biết tốt hơn về nguy cơ lây lan bệnh dại, FAO tin tưởng rằng họ sẽ giúp các cán bộ y tế và thú y trong việc phổ biến các thông điệp ngăn ngừa bệnh dại tới người dân bản, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó ở bản/làng họ và qua đó giúp làm giảm các ca tử vong ở người” Tiến sĩ Pawin Padungtod, Điều Phối Viên Kỹ thuật của ECTAD, FAO Việt Nam phát biểu.

“Những gì tôi học được ngày hôm nay thực sự rất mới và hữu ích bởi vì giờ tôi đã hiểu rõ rằng vắc xin cho chó là nhằm bảo vệ con người chúng ta, chứ không phải chỉ cho chó, khỏi bệnh dại. Tôi sẽ chia sẻ với dân bản về tầm quan trọng của việc vắc xin cho cả chó và người, khuyên họ đi gặp bác sĩ thay vì chữa bệnh bằng thuốc lá” Bà Hà Thị Nhung, dân tộc Mường, huyện Yên Lập, Tỉnh Phú Thọ cho biết.

Sự ủng hộ tích cực và các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi của nhóm các dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên mà FAO ECTAD đã và đang hỗ trợ MARD và MOH. Sáng kiến này cũng bao gồm việc xây dựng các điểm phát thanh bằng tiếng dân tộc về các biện pháp phòng ngừa bệnh dại, như tiêm vắc-xin cho chó hàng năm, rửa ngay vết thương bị chó cắn bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 15 phút, tới trung tâm y tế ngay sau khi bị chó cắn/cào và báo cáo việc bị chó cắn cho cán bộ y tế và thú y địa phương. Các thông điệp này được phổ biến trên toàn quốc đến tất cả các tỉnh nguy cơ cao tại Việt Nam.