FAO in Viet Nam

FAO và Chương trình UN-REDD tại Việt Nam

04/03/2016

Chương trình Hợp tác REDD+ của Liên hợp quốc (Chương trình UN-REDD) là chương trình  được thực hiện bởi các quốc gia đối tác và ba cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) là FAO, UNDP và UNEP. Chương trình UN-REDD tại Việt Nam đang trong giai đoạn hai và huy động sức mạnh chung của các cơ quan LHQ này, đó là trình độ chuyên môn và mạng lưới chuyên gia đa dạng của họ, và sử dụng cách tiếp cận “Thống nhất hành động” của hệ thống LHQ tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong số những quốc gia đầu tiên nhận hỗ trợ sau khi chương trình được triển khai năm 2009. Mục đích của chương trình là giúp chính phủ các nước tham gia chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+,  là một nội dung đàm phán quốc tế trong khuôn khổ công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC).  REDD+ có mục đích là tăng cường nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề biến dổi khí hậu bằng cách áp dụng các hình thức ưu đãi cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ ngành lâm nghiệp. Việt Nam là quốc gia đầu tiên bước vào “Giai đoạn II” của chương trình UN-REDD, là giai đoạn mà các chính sách và biện pháp đề ra trong chiến lược REDD+ quốc gia được triển khai ngay tại nước đó.
FAO hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST) và các cơ quan quốc gia khác, đã đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình UN-REDD Quốc gia Giai đoạn II, trong đó có việc xây dựng Mức tham chiếu rừng (FRL) và Cổng thông tin địa lý (Geo-portal) cho phép truy cập miễn phí, minh bạch, thông tin về nguồn tài nguyên rừng của quốc gia và tác động của các chương trình lâm nghiệp hiện đang trong quá trình thực hiện.

Việc trình Mức Tham chiếu Rừng FRL lên UNFCCC vào tháng 1/2016 được ghi nhận là một cột mốc quan trọng hướng tới mục tiêu của Việt Nam là nhận được sự chi trả dựa trên kết quả theo các cơ chế quốc tế. Là cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong nhiều lĩnh vực khác trong khuôn khổ chương trình UN-REDD Việt Nam như lập kế hoach cấp địa phương, tăng cường thực thi luật lâm nghiệp và hệ thống giám sát rừng quốc gia, FAO đã thiết lập được quan hệ đối tác tốt với nhiều cơ quan đối tác quốc gia như Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI), Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Cục Kiểm lâm  và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS). Sự hợp tác với các cơ quan đối tác phát triển quốc tế khác, các tổ chức NGO và các dự án như JICA, SNV, GIZ, World Bank FCPF, và dự án FORMIS với hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan cũng giúp gia tăng vai trò quan trọng của FAO đối với mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho REDD+ tại Việt Nam.

Gần đây, Chương trình đã được gia hạn đến năm 2018, cho phép FAO tiếp tục vai trò của mình trong việc hỗ trợ Chính phủ lập kế hoach REDD+, MRV, và tăng cường thực thi luật lâm nghiệp thông qua xây dựng năng lực, hỗ trợ thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu về vi phạm luật lâm nghiệp. Các hoạt động được FAO hỗ trợ sẽ ngày càng tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện các chính sách và biện pháp đề xuất trong sáu Kế hoạch Hành động REDD+ cấp tỉnh. Mục đích của các kế hoạch này để chứng minh rằng thực sự có thể đạt được mục tiêu cô lập và giảm phát thải khí nhà kính bằng cách can thiệp thiết thực, chỉnh sửa hay gia hạn những chương trình quốc gia có tác động đến độ che phủ rừng hay sinh khối rừng. Áp dụng bài học kinh nghiệm và hợp tác với các sáng kiến của FAO như EU-FAO-FLEGT, Phát triển Rừng và Trang trại (FFF), hợp tác đối tác FAO-IKEA, và Chương trình Hợp tác Kỹ thuật của  FAO, những hoạt động này sẽ bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý rừng bền vững của các công ty lâm nghiệp quốc gia và các chủ sở hữu/quản lý rừng quy mô nhỏ.

Một lĩnh vực quan trọng khác của FAO trong khuôn khổ chương trình này là hỗ trợ sự hợp tác giữa chính phủ các nước thuộc Tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông trong giảm khai thác và buôn bán gỗ trái phép, tập trung hỗ trợ xây dựng Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ của Việt Nam và củng cố cam kết của ngành chế biến gỗ trong khu vực để có thể tạo ra nguồn gỗ hợp pháp, được thu hoạch một cách bền vững.