FAO in Viet Nam

Xây dựng năng lực Việt Nam để kiểm soát tác động khí nhà kính đối với đầu tư và chính sách trong ngành nông, lâm nghiệp và sử dụng đất

14/06/2016

Hà Nội, Viet Nam. Ngày hôm nay tại Hà Nội, Hội thảo Tập huấn quốc gia dài 4 ngày về xây dựng năng lực đánh giá cân bằng các-bon của các dự án và chính sách được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, với sự có mặt của nhiều đại diện từ Chính phủ và các bên liên quan khác.

Đại biểu tham gia Hội thảo Tập huấn bao gồm những người có thẩm quyền ra quyết định và các chuyên gia về Quỹ Khí hậu xanh và các vấn đề liên quan đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ, cán bộ đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các công ty cung cấp dịch vụ và các tư vấn dự án.

Sự kiện này đáp ứng những ưu tiên chính sách chiến lược của Việt Nam về mặt đầu tư trong thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển xanh. Biến đổi khí hậu đặt ra nguy cơ lớn đối với các hộ nông dân nhỏ tại Việt Nam khi những hộ dân này gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với hiện tượng thời tiết cực đoan và thời tiết biến đổi thường xuyên đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hội thảo này đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam năm 2011-2020 trong đó nhấn mạnh “Phát triển kinh tế xã hội phải luôn chú trọng đặc biệt tới bảo vệ và cải thiện môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trong chiến lược phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam xác định việc đạt được tăng trưởng bền vững trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất qua đó đem đến cơ hội giảm thiểu phát thải khí nhà kính (KNK) là chính sách ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ được thể hiện qua (a) Chương trình Giảm thiểu Phát thải KNK trong Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2020 và (b) Đóng góp Dự kiến do Quốc gia tự Quyết định (INDC) của Việt Nam.

Trước tình hình trên, tổ chức FAO đặc biệt hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác phát triển kế hoạch đầu tư nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường chính sách có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng đến tăng trưởng nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. 

Bên cạnh trọng tâm của tổ chức FAO là an ninh lương thực và những lợi ích của thích nghi biến đổi khí hậu, các tác động đối với môi trường nói chung và giảm thiểu biến đổi khí hậu nói riêng, vốn được xem như như yếu tố then chốt trong quá trình quy hoạch nông nghiệp, cũng được hết sức coi trọng. Đối với mục tiêu này, các quốc gia cần có được các phương pháp và quy trình khoa học, phù hợp và có hiệu quả chi phí để đánh giá KNK trong các dự án đầu tư nông nghiệp.

Cùng với những đối tác khác, tổ chức FAO và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Nông nghiệp Thông minh Thích ứng với Biến đổi Khí hậu (CSA) kể từ năm 2010 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết trong việc đạt được một chiến lược rõ ràng và mạch lạc để quản lý hệ thống nông nghiệp và lương thực dưới tác động của biến đổi khí hậu. Việc áp dụng hướng tiếp cận này cần kết hợp các thực tiễn, chính sách, thể chế cũng như các nguồn tài chính và công cụ phù hợp để đánh giá hiệu quả của các dự án và hành động liên quan đến an ninh lương thực, khả năng chống chịu và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Thế giới đang tài trợ nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam nhằm đóng góp đáng kể vào việc đạt được những lợi ích giảm thiểu phát thải KNK và đồng thời đặt nền móng cho bước chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng đến hệ thống sản xuất nông nghiệp hiệu quả và sinh lợi.

Hội thảo Tập huấn đem đến cơ hội cho những người có thẩm quyền ra quyết định và chuyên gia đến từ Chính phủ và các bên liên quan để bản thân họ làm quen với Công cụ Xác định Cân bằng Các-bon EXACTcủa tổ chức FAO để ước tính và xác định mục tiêu lợi ích thu được từ việc giảm thiểu biến đổi khí hậu trong đầu tư vào nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất. Công cụ Xác định Cân bằng Các-bon EXACT là một hệ thống đánh giá do tổ chức FAO xây dựng để ước tính tác động của KNK trong các dự án phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, các chương trình và chính sách về phát thải KNK và hấp thụ các-bon. Công cụ cho phép đánh giá tất cả các tiểu ngành của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất và cũng áp dụng được đối với ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Được sử dụng ở trên 60 quốc gia, công cụ đã giúp đánh giá tác động về KNK cho các dự án đầu tư có tổng giá trị 13 tỷ đô-la. Bên cạnh đó, hơn 2.600 chuyên gia đã được đào tạo tại các buổi tập huấn và thông qua hình thức học trực tuyến từ năm 2010.

Mục tiêu chính của Hội thảo Tập huấn Công cụ Đánh giá Cân bằng Các-bon EXACT là cung cấp kiến thức chung về việc tại sao cần đánh giá cân bằng các-bon của các dự án, chính sách đầu tư và nâng cao năng lực của các chuyên gia đến từ Chính phủ Việt Nam, các cán bộ và cố vấn chủ chốt từ các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ cũng như các bên liên quan để ước tính tác động của KNK đối với các dự án và chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất bằng Công cụ Đánh giá Cân bằng Các-bon. Cụ thể, Hội thảo là cơ hội để phân tích tác động của KNK trong năm dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, về các vấn đề chuyển đổi nông nghiệp bền vững, nâng cấp tưới tiêu trong nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước, phát triển tài nguyên ven biển và lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu với sinh kế bền vững.

Theo ông Louis Bockel, trưởng nhóm xây dựng Công cụ Đánh giá Cân bằng Các-bon EXACT của tổ chức FAO: “Hội thảo tập huấn diễn ra vào thời điểm rất phù hợp, đặc biệt khi xét đến cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm đầu tư vào các hoạt động can thiệp dựa trên tình hình thực địa trong thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giúp hỗ trợ chiến lược phát triển bền vững.” Ông Thomas Muenzel, Chuyên gia kinh tế cao cấp của tổ chức FAO nhấn mạnh thêm: “Cam kết này được thể hiện qua tổng giá trị đầu tư lên tới 1,2 tỷ Đô-la vào năm dự án được Ngân hàng Thế giới chọn để phân tích tại hội thảo này. Hy vọng hội thảo tập huấn sẽ thu được những đề xuất thực tế về các bước tiếp theo để đạt được và tối đa hóa lợi ích của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu trong những dự án được chọn để phân tích và cả ở các dự án khác”.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Louis Bockel, [email protected]; Uwe Grewer, [email protected];

Thomas Muenzel, [email protected]