FAO in Viet Nam

FAO cùng đại biểu của Tổng cục Hỗ trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự EU và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thăm các vùng bị hạn hán

23/06/2016

Việt Nam hiện đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua, khiến 1 triệu người dân sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ và Tây Nguyên phải chịu cảnh mất an ninh lương thực và rất cần cứu trợ nhân đạo.

Cho tới nay đã có tới 477.113 héc ta đất trồng trọt bị ảnh hưởng, ngành đánh cá và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều động vật nuôi (gia cầm, lợn, trâu bò) bị chết, ghi nhận mức độ bệnh tật và di cư bất thường. Tính đến tháng 7/2016, sẽ thể sẽ có hơn 600.00 héc ta đất canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này khiến khoảng 1,75 triệu người bị mất nguồn thu nhập do tác động của hạn hán đối với ngành nông nghiệp.

Gần đây, Tổng cục Hỗ trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự EU (ECHO) đã thông báo khoản hỗ trợ nhân đạo 2 triệu EUR cho Việt Nam để ứng phó đối với tình trạng khẩn cấp do hạn hán gây ra hiện nay, và xác định An ninh Lương thực là ngành cần hỗ trợ nhất, bên cạnh Nước và Vệ sinh. Ngày 23/6/2016, FAO đã tổ chức một phái đoàn đến thăm tỉnh Gia Lai, một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất tại Việt Nam, cùng với ECHO và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Mục đích chuyến công tác là để cho đoàn tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà hạn hán đã gây ra đối với ngành nông nghiệp và tác động đối với an ninh lương thực của các cộng đồng bị ảnh hưởng. 

Trong chuyến công tác, các đại biểu đã tới thăm một số hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở thôn Vương, Xã Ayun và Huyện Chư Sê. Ngoài ra, một cuộc họp với Ủy ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai đã được tổ chức nhằm tóm tắt cho các đại biểu biết tình hình hiện tại và các hoạt động đã được triển khai ở từng sở và đơn vị. Cuộc họp cũng thu hút sự tham dự của các đại biểu có liên quan chính đến công tác phòng chống hạn hán, như lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trồng trọt, Chi cục chăn nuôi và thú ý, Chi cục Thủy lợi, Hội Chữ thập Đỏ và Hội Phụ nữ.

“Với nguồn lực của chính chúng tôi, và sự đóng góp của Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm của LHQ, FAO Việt Nam hiện đang thực hiện rất nhiều hoạt động, từ đánh giá nhu cầu cho đến phân phát khẩn cấp hạt giống và phân bón. Tuy nhiên, Việt Nam cần có nhiều nguồn lực hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu ngay trước mắt của ngành Nông nghiệp và An ninh Lương thực, chẳng hạn như cấp phát vật tư nông nghiệp, biên lai tiền mặt, gây lại đàn gia súc mới, cung cấp dịch vụ chăm sóc động vật và ngư cụ. Điều quan trọng nhất là cần phải hợp tác với nhau để giải quyết các thách thức trung và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra và tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng đối với các sự cố trong tương lai, bảo vệ sinh kế cũng như bảo đảm an ninh lương thực cho người dân”, ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam cho biết.