FAO in Viet Nam

FAO chủ trì hoạt động hỗ trợ cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng của hạn hán

22/06/2016

Vào thời điểm này hàng năm, anh Chamale Cup và gia đình ở tỉnh Ninh Thuận (là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam) thường bận làm đất để chờ mưa đến sẽ gieo trồng. 

Tuy nhiên, trận hạn hán kéo dài chưa từng có trong lịch sử 60 năm ở Việt Nam đã khiến gia đình anh và hơn 1,75 triệu người ở 18 tỉnh cỉa Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ không còn kế sinh nhai, trong đó 1,1 triêu người cần hỗ trợ lương thực và ước tính tổn thất kinh tế cho tới ngày 15/6/2016 đã lên tới 671 triệu USD.

Với anh Chamale, đợt hạn hán này đồng nghĩa với vụ lúa thứ hai liên tục bị mất mùa, mặc dù đã khiến gia đình anh mất 2 con bò, nửa đàn dê và gà.

Khi được một đoàn đánh giá của FAO phỏng vấn (đoàn đánh giá thứ hai vừa kết thúc chuyến công tác ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện đang trong tình trạng khẩn cấp do hiện tượng El Nino 2015/16), anh cho biết gia đình anh buộc phải vay mượn để sống qua ngày.

“Nếu chúng tôi không trả được nợ, chúng tôi sẽ mất nửa diện tích đất có tưới mà chúng tôi đem cầm cố để vay nợ”, người đàn ông dân tộc Ray Lay cho biết. Anh cũng thừa nhận có thể phải di cư đến thành phố nào gần đó để làm phụ hồ nếu đợt hạn hán này còn tiếp tục kéo dài.

Ở miền Nam, đồng bằng sông Mekong, chị Nguyễn Thị Đàm, nông dân 49 tuổi, cũng đang phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn.

Vào tháng 10 năm ngoái, chị vất vả nuôi 40 con vịt và thả 240.000 con tôm giống trên diện tích sản xuất 2,6 ha. Tuy nhiên, đoàn đánh giá của FAO nhận thấy trận hán vừa rồi đã quét sạch lứa tôm và làm chết 28 con vịt trong vòng 1 tháng do mực nước triều và độ mặn ở Đồng bằng sông Mekong tăng cao.

“Cuộc sống ngày càng khó khăn vì đến nước chúng tôi cũng không có để dùng hàng ngày” chị Nguyễn cho biết.

Những suy nghĩ trên về chi phí nhân lực của trận hạn hán này cho thấy mức độ ngày càng tổn thương của những người vốn được coi là ít chịu ảnh hưởng của hạn hán.  

Đoàn đánh giá chuyên sâu do FAO chủ trì được thực hiện ở 54 thôn, phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới, Tổ chức Phụ nữ của Liên hợp quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong quá trình làm việc, Đoàn đã xem xét nhu cầu về sinh kế, nông nghiệp và an ninh lương thực của người dân tại khu vực Tây Nguyên (tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai), Đồng bằng sông Mekong (tỉnh Bến Tre và Kiên Giang) và Nam Trung Bộ (tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận), là những nơi chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.

40% số hộ được hỏi cho biết đã nhận được hỗ trợ từ ít nhất một nguồn để bù đắp cho thiệt hại do hạn hán gây ra, trong đó chủ yếu là từ Chính quyền và các nhóm từ thiện.

Đoàn đánh giá, đợt đầu thực hiện từ 21/3 đến 24/3 sau khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu FAO và các đối tác hỗ trợ chuyên môn để đánh giá và đề xuất các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng nhận thấy khả năng hộ gia đình đối phó với hạn hán chủ yếu phụ thuộc vào quyền sở hữu vốn và nguồn tài chính. Trong số những hộ chưa được hỗ trợ từ bên ngoài, những hộ làm nông nghiệp quy mô nhỏ là những hộ dễ bị tổn thương nhất. Với nguồn vốn nhân lực và nguồn lực kỹ thuật hạn chế, những hộ nghèo phải cầm cố cả đất hoặc vay mượn tiền mặt để mua vật tư nông nghiệp. Mất mùa và không có thu nhập trong hai vụ vừa qua đã khiến họ phải lâm vào tình trạng cùng cực, ít có khả năng đối phó.

Mặc dù nhiều biện pháp can thiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sẽ được thông báo sau khi phân tích xong số liệu do đoàn đánh giá thứ hai cung cấp, song FAO và các đối tác đang phối hợp tìm cách hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nhất.

Với hỗ trợ của Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc, trong tháng 7 tới FAO sẽ cấp giống và phân bón cho các hộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở tỉnh Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang và Ninh Thuận để khôi phục sản xuất  và tăng cường an ninh lương thực. FAO cũng đang xây dựng chỉ số hạn thí điểm ở Ninh Thuận để cải tiến hệ thống giám sát và cảnh báo sớm hạn hán trong nông nghiệp.

Những hành động ứng phó trên có vai trò rất quan trọng, vì đến tháng 7 diện tích cây trồng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng có thể lên tới trên 600.000 ha. Hiện nay tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại đã là 477.113 ha, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề và vật nuôi (gia cầm, lợn, trâu bò) bị chết nhiều. Điều quan trọng hiện nay là phải giải quyết được thách thức trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước nhiều cú sốc sẽ xảy ra trong tương lai, giúp bảo vệ sinh kế và đảm bảo an ninh lương thực.