FAO in Viet Nam

FAO giúp Việt Nam tăng cường năng lượng sinh học bền vững

28/06/2016

Hà nội, Việt Nam. Hội thảo khởi động một dự án hỗ trợ của FAO đã được tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội nhằm tăng cường năng lượng sinh học bền vững tại Việt Nam thông qua việc áp dụng các chỉ số Hợp tác Phát triển Năng lượng Sinh học Toàn cầu (GBEP).

FAO là một trong số các cơ quan đối tác sáng lập ra GBEP, một sáng kiến quốc tế ra đời năm 2006 và đã xây dựng được một bộ chỉ số dựa trên cơ sở khoa học, rất mạnh về mặt kỹ thuật, và rất thích hợp, có tác dụng cung cấp thông tin hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích liên quan tại những nước đang cố gắng phát triển các ngành năng lượng sinh học nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia họ.

“Sự kiện ngày hôm nay là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các quan chức chính phủ, và các nhà doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ, thảo luận về những phương pháp thực hành năng lượng sinh học hiện đang có ở trong cũng như ngoài nước, và cách áp dụng các chỉ số GBEP bền vững vào việc theo dõi tác động của việc sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học tại Việt Nam,” phát biểu của Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Để đảm bảo rằng các chỉ số này sẽ là công cụ thiết thực hỗ trợ hoạch định chính sách theo hướng phát triển năng lượng sinh học bền vững, Dự án GCP/GLO/554/GER (BMU) “Xây dựng năng lực tăng cường năng lượng sinh học bền vững thông qua sử dụng các chỉ số GBEP” của FAO đã được khai trương hôm nay. Với tài trợ của Chính phủ Đức, dự án sẽ được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, với hỗ trợ kỹ thuật của FAO trong vòng hai năm.

Thông qua việc sử dụng các chỉ số năng lượng sinh học bền vững của GBEP, dự án sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho Việt Nam để theo dõi tác động đối với môi trường và kinh tế-xã hội của việc sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học, nhất là đóng góp thực tế cho việc giảm phát thải khí nhà kính bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch và sinh khối truyền thống trong khi khai thác các lợi ích kinh tế-xã hội song hành với việc này. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần củng cố năng lực thích ứng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho Việt Nam, vì sẽ tạo cơ sở cho việc quy hoạch và quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên, trong đó có đất, nước, và việc sử dụng đất đai.