FAO in Viet Nam

Việt Nam: Cùng Chung sức hơn nữa để chống lại tình trạng kháng thuốc

28/11/2016

HÀ NỘI, NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2016 – Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ hai tại Việt Nam nêu bật cam kết ở cấp lãnh đạo của chính phủ về vấn đề kháng thuốc. Với chủ đề “Cùng Chung sức hơn nữa để chống lại tình trạng kháng thuốc”, chiến dịch này hội tụ sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau: y tế, nông nghiệp, công thương, tài nguyên môi trường, các viện nghiên cứu, chính quyền địa phương, các cộng đồng và công chúng. Trong cả nước đều cam kết sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm để bảo vệ một trong những phát minh quý báu nhất của y học hiện đại. 

Hiểm họa của hiện tượng kháng thuốc kháng sinh

Sự phát minh ra thuốc kháng sinh cách đây gần 90 năm đã làm thay đổi công cuộc phát triển của y học hiện đại, giúp cho các bác sỹ có khả năng điều trị được những bệnh nhiễm khuẩn mà trước đó là nguy hiểm đến tính mạng. Hàng triệu con người đã được cứu sống nhờ điều này. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh ngày càng mất đi tính hiệu quả của nó do hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người Việt Nam, môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất lương thực phẩm và nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, Việt nam đã chứng kiến một mối hiểm họa ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng kháng thuốc, do hậu quả của tình trạng sử dụng quá mức và không hợp lý thuốc kháng sinh ở tất cả các cấp trong hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung. Khó có thể xác định được mức độ của vấn đề này vì hiện chưa có các hệ thống giám sát đầy đủ, nhưng một số chuyên gia ước tính rằng đến năm 2050 tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tương đương với tỷ lệ cứ 3 giây có 1 trường hợp tử vong – lớn hơn so với nguyên nhân của bệnh ung thư hiện nay.

Nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng và điều trị nhiễm khuẩn, bệnh tật của con người và động vật sẽ trở nên khó điều trị hơn. Phẫu thuật thông thường trở nên nguy hiểm hơn và các bệnh nhiễm khuẩn không điều trị được dẫn tới thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí khám chữa bệnh cao hơn và tử vong cao hơn. 

 “Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất kỳ nhóm tuổi nào, tại bất kỳ quốc gia nào. Có thể hình dung rằng trong một vài thập kỷ nữa, các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ trở nên không thể thực hiện được do phụ thuộc vào thuốc kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng. Chúng ta đang đối mặt với một tương lai khi mà các triệu chứng ho hay một vết cắt cũng lại có thể gây tử vong,” Tiến sỹ Lokky Wai, Đại điện của WHO tại Việt Nam, giải thích.

Kháng thuốc kháng sinh cũng là một vấn đề về an toàn thực phẩm. Kháng sinh được sử dụng trên động vật không chỉ để điều trị bệnh mà còn để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng và tình trạng phát triển tính kháng thuốc ở động vật có thể truyền sang người thông qua chuỗi thực phẩm. 

“Kháng thuốc là một vấn đề không chỉ trong các bệnh viện mà còn là vấn đề trong lĩnh vực chăn nuôi và cả trong thực phẩm tiêu dùng của chúng ta. Người nông dân và bác sỹ thú y đều phải chia sẻ trách nhiệm bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm hơn và cắt giảm nhu cầu sử dụng chúng bằng cách áp dụng hiệu quả các quy tắc an ninh sinh học và thực hành nuôi trồng tốt”, ông JongHa Bae, Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết.

Việt Nam nhận thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề và thực hiện hành động

Năm 2013, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc, là quốc gia đầu tiên trong Khu vực Tây Thái Bình dương của WHO thực hiện điều này. Từ đó trở đi, các hệ thống toàn diện và đa chiều và công tác xây dựng năng lực đã được thực hiện và phổ biến tại Việt Nam nhằm chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Các hệ thống này bao gồm: Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc; giám sát sử dụng và tiêu dùng kháng sinh; Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh quốc gia; giám sát chất lượng và sau tiếp thị và tăng cường các quy định về đăng ký, phân phối, tiêu thụ và tiếp thị thuốc kháng sinh. 

Năm 2015, phát động hành động toàn diện giữa các bộ y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương và các bộ này đã ký kết biên bản ghi nhớ hành động liên ngành chống kháng thuốc. Để đảm bảo giám sát các hành động theo biên bản ghi nhớ này, chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc có đại diện lãnh đạo cấp cao của bốn ngành này.  

Hành động của Liên Hợp Quốc

Tháng 9 năm 2016, Đại Hội Đồng Liên hợp quốc đã triệu tập cuộc họp cấp cao tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York về “Kháng thuốc kháng sinh” với sự tham gia của các nước thành viên, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật. Tại cuộc họp này, các nước thành viên của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Việt Nam, đã cam kết thực hiện phương pháp tiếp cận toàn diện, có phối hợp để xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng kháng thuốc xuyên suốt nhiều ngành, đặc biệt là y tế, thú y và nông nghiệp. Đây là mới chỉ là lần thứ tư một vấn đề về y tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quan tâm xử lý. Các lần trước đó là về HIV, bệnh không lây nhiễm và Ebola.

Năm 2015, Hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua kế hoạch hành động toàn cầu để xử lý vấn đề ngày càng nghiêm trọng về kháng thuốc kháng sinh. Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch này là nâng cao ý thức và hiểu biết về hiện tượng kháng thuốc thông qua truyền thông hiệu quả, giáo dục và đào tạo. Theo kế hoạch toàn cầu này, Việt Nam đã và đang tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh từ năm 2015. 

Mối hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe – và nỗ lực ngăn chặn chung

Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh được tổ chức năm nay nêu bật sự cần thiết phải hành động phối hợp bởi tất cả mọi người và, do đó, đưa ra chủ đề Cùng Chung sức hơn nữa để chống lại tình trạng kháng thuốc Chiến dịch này nâng cao nhận thức về tác động của kháng thuốc đối với sức khỏe con người, tính bền vững của hoạt động sản xuất thực phẩm và nông nghiệp, tác động đối với môi trường và quan trọng hơn cả là tác động của hiện tượng kháng thuốc đối với sự phát triển bền vững của đất nước. 

Trong Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh, Việt Nam đặt  mục tiêu thu thập một triệu cam kêt sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Mục tiêu một triệu cam kết được đặt ra dựa trên tổng số trên 400,000 cam kết thu thập được trong Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh đầu tiên vào năm 2015. Một sự kiện phát động chiến dịch toàn quốc cũng sẽ được tổ chức tại Quảng trường Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội vào ngày 30 tháng 11, một loạt các buổi thuyết trình dành cho sinh viên và các nhà chuyên môn được tổ chức sau đó trong tháng 12.

Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh là một trong nhiều hoạt động trong một hành động ứng phó mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với mối hiểm họa về kháng thuốc. 

 Ông JongHa Bae và Tiến sỹ Lokky Wai cùng tuyên bố “Chúng tôi hoan nghênh bốn bộ cùng ủng hộ cho Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng hình thức tiếp cận đa ngành này giữa ngành y tế và thú y có vai trò quan trọng để thực hiện nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết có hiệu quả tình trạng kháng thuốc. Với bản chất đa ngành của vấn đề kháng thuốc, mọi người đều có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Cần thực hiện hành động từ phía ngành y tế (bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ, bệnh nhân), ngành thú y (bác sỹ thú y, người nông dân, sức khỏe động vật và ngành thực phẩm), ngành dược và công chúng”.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Chị Trần Thị Loan 

Trợ lý truyền thông, WHO Việt Nam

Email: [email protected]

 

Chị Nguyễn Thúy Hằng

Điều phối viên Truyền thông và Vân động chính sách, FAO Việt Nam

Email: [email protected]