FAO in Viet Nam

FAO-Cục Thú Y tổ chức tập huấn nâng cao giám sát cúm tại Việt Nam

16/12/2016

Phát hiện và ứng phó sớm để kiểm soát hiệu quả bùng phát dịch bệnh là bước quan trọng đảm bảo công tác sẵn sàng chống dịch. Nhằm tăng cường năng lực giám sát cúm cho cán bộ thú y Việt Nam, Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng với Trung tâm Phòng chống Khẩn cấp Dịch bệnh Động vật xuyên biên giới (ECTAD), FAO Việt Nam tổ chức 5 khoá tập huấn về giám sát chủ động bệnh cúm gia cầm và cúm lợn. Tổng số 183 cán bộ thú y cơ sở và cán bộ phòng thí nghiệm cùng với cán bộ tài chính trên toàn quốc đã tham dự các khoá học này. FAO ECTAD Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường năng lực kỹ thuật giúp các quốc qia thành viên của FAO, đồng thời xác định các phương thức đảm bảo tính thực tế, hữu dụng và quan trọng nhất là tính bền vững của các hoạt động tập huấn.

Mỗi khoá học được tổ chức trong 2 ngày, nhằm khắc phục những mặt còn yếu đã được các cơ quan địa phương và trung ương xác định trước đó như: kỹ năng lấy mẫu của cán bộ hiện trường, thực hiện phiếu điều tra, chất lượng mẫu, báo cáo kết quả xét nghiệm, phân tích giám sát, các hoạt động ứng phó sau khi phát hiện, và quản lý tài chính.

Để khuyến khích sự tham gia của học viên, phương pháp như kiểm tra kiến thức trong nhóm, học qua tình huống, đóng vai và các bài tập thực tế đã được giảng viên áp dụng. Với các kịch bản được xây dựng trên các tính huống ở Việt nam, học viên đã có thể xác định được những kết luận giám sát không bình thường và từ đó lập kế hoạch tiếp theo.

Cán bộ phòng thí nghiệm của các Cơ quan Thú y Vùng (RAHO) tham gia với tư cách giảng viên, hướng dẫn học viên cách sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân và điều phối các thảo luận về việc lựa chọn ổ bệnh phù hợp, chọn mẫu động vật và giám sát môi trường tuỳ theo mức độ rủi ro lây nhiễm. Sau đó cán bộ RAHO tổ chức lấy mẫu, hướng dẫn các kỹ thuật lấy mẫu đối với gà, vịt, lợn và môi trường, tiếp đó là phần thực hành của học viên.

Các cán bộ tài chính tham gia vào các phiên thảo luận khác nhau trong phạm vi khoá học và rà soát lại các tài liệu hướng dẫn để hệ thống hoá các yêu cầu tài chính của chương trình. Phiên kết hợp tham gia của cán bộ kỹ thuật và cán bộ tài chính đã giúp học viên xác định ra được các vấn đề về quản lý tài chính ở cấp địa phương và cấp quốc gia đồng thời đề xuất kiến nghị nâng cao.

 “Phản hồi về các khoá đào tạo rất tích cực, các cán bộ kỹ thuật rất hào hứng với phương pháp học qua tình huống và cơ hội được thực hành chọn mẫu cùng cán bộ phòng thí nghiệm. Sau khi khoá học kết thúc, cảm nhận của học viên là kiến thức về giám sát dịch bệnh của họ thực sự được nâng cao, giúp họ có thể phân tích thông tin giám sát tốt hơn. Để đảm bảo các nội dung kỹ thuật của khoá học được học viên chấp nhận và tiếp thu tốt, các khoá học bồi dưỡng lại kiến thức có sự tham gia chủ động của học viên đã được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2017”, bà Laura Macfarlane-Berry, chuyên gia dịch tế quốc tế của FAO ECTAD Việt Nam cho biết.