FAO in Viet Nam

Phụ nữ góp phần đẩy mạnh hoạt động ứng phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra

12/07/2017

Kể từ cuối năm 2015, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng El Nino. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Mekong phải trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt chưa từng có trong vòng 90 năm qua, trong đó 18 tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp. Sau trận hạn này, một triệu người rơi vào tình trạng cần hỗ trợ lương thực và 1,75 triệu người mất thu nhập do sinh kế bị ảnh hưởng hoặc do bị mất sinh kế. Chính phủ Việt Nam ước tính tổn thất kinh tế do hạn hán gây ra lên tới 674 triệu USD.

Trước dự báo thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra (chẳng hạn như đại hạn và lũ lụt) ngày càng được coi là “bình thường mới”, FAO đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) chia sẻ thông điệp về cảnh báo sớm và hành động sớm, trong đó có hỗ trợ tài chính của Ủy ban Bảo vệ Dân sự và Hỗ trợ Nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO). Mục đích chính của dự án này là tăng cường khả năng chống chịu của phụ nữ trước hạn hán hoặc lũ lụt, trong đó tập trung vào đảm bảo sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Trong dự án này, phụ nữ là trung tâm của các hoạt động phòng chống thiên tai, FAO tập trung vào tăng cường năng lực cho phụ nữ để quản lý rủi ro, qua đó giảm mức độ tổn thương cho phụ nữ trước thiên tai và biến đổi khí hậu vì phụ nữ là đối tượng ít có khả năng tiếp cận vốn vật chất, tài chính, con người, xã hội và tự nhiên nên thường xuyên chịu tác động nhiều nhất.

FAO đã phối hợp với Hội LHPN tổ chức 2 khóa huấn luyện giảng viên (3 ngày/khóa) tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Mekong nhằm nâng cao năng lực cho 61 cán bộ của Hội, từ cấp tỉnh tới cấp xã, về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai và cảnh báo sớm.  Khóa tập huấn này giúp mọi người hiểu được cách đưa ra thông điệp truyền thông, lựa chọn biện pháp truyền thông và xây dựng kế hoạch truyền thông. Chương trình tập huấn cũng phổ biến kiến thức về thông điệp cũng như hành vi về bảo vệ cây trồng trước hạn hán, lũ lụt và các loại hình thiên tai khác. Sau đợt tập huấn, các học viên đã xây dựng và nộp được kế hoạch truyền thông cho xã để triển khai chiến dịch truyền thông.

“Do lãnh thổ Việt Nam trải dài nên khí hậu giữa các vùng bắc, trung và nam rất khác nhau. Điều này khiến cho các loại hình thiên tai ảnh hưởng tới nông dân giữa các vùng cũng khác nhau. Vì vậy, thông qua việc giúp học viên xây dựng được kế hoạch truyền thông cho xã hoặc huyện mình, chúng tôi có thể hỗ trợ đưa ra thông điệp và kế hoạch truyền thông phù hợp với đặc điểm khí hậu và nhu cầu thực tế của từng địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng giúp học viên có thêm quyền sở hữu khi xây dựng kế hoạch truyền thông nên hy vọng rằng nhiều thông điệp về thay đổi hành vi sẽ liên tục được chia sẻ với cộng động ngay cả sau khi dự án kết thúc.”, chị Ki Jung Min, Điều phối viên về Tiếp cận Cộng đồng của FAO Việt Nam, cho biết.

Sau đợt huấn luyện giảng viên, dự án cũng tổ chức 18 buổi nâng cao nhận thức cộng đồng tại 18 xã ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Mekong, với sự tham gia của 156.022 người thuộc các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai. Những cán bộ đã được tập huấn của LHPN cũng tổ chức nhiều buổi nâng cao nhận thức cho nhân dân thông qua các hình thức như đóng kịch, hát và đọc thơ để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả.

“Nâng cao năng lực cho Hội LHPN về giảm rủi ro do thiên tai gây ra và phổ biến thông điệp thay đổi hành vi đã tạo ra tác động cộng hưởng vì những cán bộ phụ nữ đã qua tập huấn hiện đang đào tạo lại cho nhiều thành viên khác của Hội ở các tỉnh khác thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai để áp dụng cách tiếp cận đã được xây dựng cùng FAO nhằm chia sẻ nhiều thông điệp vô cùng thiết thực với các cộng đồng dễ bị tổn thương.”, bà Roberta Tranquilli, Điều phối viên Hoạt động hỗ trợ khẩn cấp của FAO Việt Nam, phát biểu.